Cây xanh và sự đồng thuận

ANTĐ - Ở một đô thị lớn như Hà Nội đâu phải trồng cây nào giữ mãi cây đó. Mỗi năm, cơ quan quản lý cây xanh Hà Nội phải cắt sửa trên 4.000 cây nặng tán, nguy hiểm; chặt hạ trên 1.000 cây chết khô, sâu mục, nghiêng, nguy hiểm. Đó là chưa kể hàng trăm cây xanh bị đổ sau mỗi đợt mưa bão và rất nhiều cây bị một số hộ dân vô ý thức “bức tử” bằng nước sôi, bếp than tổ ong, dầu máy...  buộc phải cưa bỏ. Tuy nhiên, bẻ một cành cây cũng cần có sự đồng thuận. Nếu cộng đồng không được thông tin đầy đủ, không chia sẻ, thì dù việc thay thế cây là vì lợi ích chung cũng không dễ dàng thực hiện.

Đây là năm thứ hai Hà Nội thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Thay thế cây chết, cong nghiêng, sâu mục, không đúng chủng loại cây xanh đô thị chỉ là một nội dung trong kế hoạch của “Năm trật tự và văn minh đô thị 2015”, với mục tiêu tạo ra những tuyến phố văn minh, hiện đại, đảm bảo an toàn giao thông và giữ hệ thống cây xanh của Hà Nội luôn trong trạng thái bền vững.

Đây là chủ trương vì lợi ích cộng đồng, vì cái chung chứ không có bất cứ cá nhân hay tổ chức nào trục lợi ở đây. Tất nhiên, trong quá trình thực hiện, việc phải cắt bỏ, chặt hạ một số loại cây không còn phù hợp là không tránh khỏi. Thực tế này cũng giống như khi triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường, nhiều hộ gia đình đã phải di dời nhà cửa dù ở những vị trí “vàng” để có diện tích đất mở đường. Vì lợi ích chung, họ đã hy sinh quyền lợi cá nhân, chấp nhận di chuyển tới nơi ở mới để thành phố có những con đường đẹp phục vụ việc đi lại của nhân dân. Hôm nay chúng ta trồng cây mới, cũng mất 2-3 năm, thậm chí lâu hơn nữa mới có được những hàng cây đẹp. Có thể mùa hè này, chúng ta thiếu đi bóng râm nhưng vào mùa mưa bão năm nay, người qua đường sẽ không còn phải nơm nớp lo cây đổ vào đầu và những năm sau nữa, chúng ta sẽ có được bóng mát bền vững, Hà Nội cũng có thêm những tuyến phố đẹp...

Dư luận nêu yêu cầu công khai, minh bạch thông tin là hoàn toàn đúng đắn. Sở Xây dựng Hà Nội phải chỉ rõ ra, trong số 6.700 cây cần thay thế, có bao nhiêu cây chết, cong nghiêng, sâu mục... gây mất an toàn giao thông, bao nhiêu cây không đúng chủng loại cây xanh đô thị, bao nhiêu cây buộc phải chặt hạ, bao nhiêu cây được di dời tới trồng ở các tuyến phố khác phù hợp hơn... Bởi, nếu chỉ nghe ào ào con số “6.700 cây phải chặt hạ”, thậm chí có người còn nói vống lên là “toàn cây cổ thụ”, thì đúng là xót ruột, đau lòng thật.

Đây rõ ràng là bài học về tuyên truyền cho các sở, ngành liên quan. Trước những việc ảnh hưởng tới quyền lợi, đời sống người dân, dù là nhỏ nhất, không chỉ cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng phương án thực hiện mà còn phải công khai, minh bạch tối đa thông tin để tạo sự đồng thuận, chia sẻ từ cộng đồng. Từ chỗ nắm đầy đủ thông tin, hiểu, ủng hộ chủ trương của thành phố, đại diện nhân dân còn có thể cùng tham gia giám sát việc thực hiện, đảm bảo hiệu quả cao nhất, vì một Thủ đô Hà Nội xanh, sáng, sạch đẹp như yêu cầu của “Năm trật tự và văn minh đô thị 2015”.