Cần cơ chế hơn tiền

ANTĐ - Những gì đang diễn ra từ đầu năm mới tới nay cho thấy thị trường bất động sản đã chuyển động ở mọi phân khúc, từ cao cấp đến bình dân. Nhiều chủ đầu tư vẫn xoay xở tìm cách đưa dự án ra thị trường. Tuy vậy, trong buổi làm việc mới đây với Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, các doanh nghiệp bất động sản đã bày tỏ nỗi bức xúc lớn nhất: “Cần cơ chế hơn cần tiền”. 

Thông tin sẽ nới lỏng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, một lần nữa xới lên hy vọng ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2014 giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn khi khai thác nguồn khách hàng tiềm năng, qua đó sẽ tạo cú hích cho thị trường bất động sản “tan băng” và ấm lên trong năm nay. Năm 2013 là năm khó khăn nhất bởi tích lũy những khó khăn từ những năm trước. Thị trường trầm lắng kéo dài khiến không ít doanh nghiệp phải vét nhẵn túi những khoản lợi nhuận gom góp được từ những năm trước, thậm chí “ăn” cả vào vốn để tồn tại. Dòng tiền cạn kiệt đẩy nhiều chủ đầu tư vào cảnh dự án xây dựng dở dang và đối mặt với khiếu kiện đòi nhà của khách hàng. Song, chính trong bối cảnh chồng chất khó khăn, đã giúp các doanh nghiệp sáng ra một thực tế là, bất động sản không còn là mảnh đất màu mỡ để gặt hái siêu lợi nhuận. Đại diện Công ty Savills Việt Nam cho rằng, những doanh nghiệp qua cuộc đào thải của thị trường sẽ chỉ còn lại những “anh” có tên tuổi, kinh nghiệm với chiến lược đầu tư bài bản và họ sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy thị trường trong năm 2014.

Nhiều dự án chào bán căn hộ ra thị trường sẽ cung cấp nhiều sự lựa chọn hơn cho người mua. Dẫu vậy, một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là cho phép những dự án phù hợp  được chuyển sang nhà ở xã hội hiện đang vướng mắc nhiều thủ tục. Dưới góc độ của một chuyên gia kinh tế vĩ mô, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng thừa nhận, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành để thực thi chính sách còn rườm rà. Chính sách đưa ra còn rối rắm, phức tạp dẫn đến khó thực hiện. Về nguồn vốn tín dụng dành cho bất động sản, Chủ tịch Ủy ban cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ cũng như đánh giá tài chính của từng doanh nghiệp bất động sản, tạo điều kiện tiếp tục vay triển khai dự án với nhiều cơ chế ưu đãi. Ủy ban cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước đánh giá từng dự án cụ thể và cho phép giãn tiến độ, cơ cấu lại nợ và cho vay nếu dự án có triển vọng tốt. Một dự án bất động sản phải mất gần 4 năm mới xong, trong khi các chính sách thuế, giá đất… điều chỉnh một năm một lần khiến doanh nghiệp không kịp trở tay, thậm chí nhiều doanh nghiệp “chết tức tưởi” trong thời gian qua. 

Để “phá băng” thị trường bất động sản, đương nhiên không thể một sớm, một chiều. Để gỡ khó cho doanh nghiệp, giải cứu thị trường hoàn toàn tùy thuộc vào cơ chế, chính sách như tiền sử dụng đất, lãi suất… Cần cơ chế hơn tiền là bức xúc của doanh nghiệp đã được cơ quan chức năng “lắng nghe và thấu hiểu”, nhưng chưa giải quyết kịp thời, thấu đáo.