Cải cách cả “công bộc”

ANTĐ - 18 nhóm thủ tục được đưa ra trong Dự thảo kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm gánh nặng hành chính trọng tâm trong năm 2015 đang nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nguyên do là vì cách lựa chọn vấn đề cải cách chưa đi thẳng vào những vướng mắc chính của hệ thống hành chính hiện nay và quá dàn trải. Những bức xúc của người dân và doanh nghiệp nhiều khi không chỉ do thủ tục rắc rối, nhiêu khê mà chính là do những “công bộc” thực hiện thủ tục gây ra. Vì vậy, nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo cho rằng, cần có một số quy định mang tính ràng buộc đối với cán bộ, công chức.

Dự án của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ vừa khảo sát một số cơ quan Nhà nước Việt Nam cho thấy, hầu như không có sự liên thông giữa các cơ quan này. Cơ sở dữ liệu chỉ chia sẻ trong nội bộ các cơ quan đó, đây chính là nguyên nhân khiến doanh nghiệp và người dân phải nộp nhiều giấy tờ, các quy trình rất khó đơn giản hóa, làm cho công tác quản lý kém hiệu quả, gây thất thu cho ngân sách, tốn kém cho doanh nghiệp; đồng thời là cái cớ để cán bộ, công chức “hành” những đối tượng đáng lẽ ra phải được phục vụ tận tình. 

Trong năm 2014, Bộ Nội vụ đã có chỉ thị cấm cán bộ, công chức kéo dài thời gian giải quyết công việc, hách dịch, cửa quyền, tự ý đặt ra những quy định trái pháp luật để gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu cho nhân dân. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị là người chịu trách nhiệm trong việc rà soát, đơn giản hóa và công bố các thủ tục hành chính. Việc hoàn thiện các quy định pháp luật về thủ tục hành chính chỉ là bước đầu tạo khung pháp lý hoàn chỉnh, còn để thực thi cần phải nâng chất lượng đội ngũ công chức. Quy định dù có hay đến đâu nhưng cán bộ thực thi năng lực thấp, ý thức, thái độ, trách nhiệm hạn chế thì hiệu quả cải cách thủ tục gần như bằng không. Điều quan trọng không phải là đưa ra bao nhiêu nhóm thủ tục để cải cách, cắt giảm nếu không tinh giản bộ máy, mạnh tay cắt giảm những cán bộ, công chức yếu kém, trì trệ. Giới chuyên gia cho rằng, đây chính là “ốc vít” han gỉ cần phải loại bỏ, thay thế thì bộ máy hành chính mới có thể vận hành suôn sẻ.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Bộ Tư pháp nhấn mạnh, trọng tâm của cải cách thủ tục hành chính là con người. Mọi vấn đề đều tùy thuộc ở con người. Ngoài việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử, hạn chế tối đa sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, công chức với người dân, doanh nghiệp, điều kiện sống còn là phải cải cách cả “công bộc” của dân.