Bức tranh tươi sáng hơn

ANTĐ - Trong khi không ít khu vực kinh tế bước sang năm 2015 vẫn phải đối mặt với những khó khăn về hàng tồn kho, tiêu thụ chậm, thậm chí thua lỗ, ngừng sản xuất, thì xuất khẩu là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế. Trong bộn bề thách thức, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã đạt mốc kỷ lục trên 150 tỷ USD. Thành tích của xuất khẩu đã đóng góp một phần lớn vào phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế vĩ mô khi thặng dư cán cân thương mại lập kỷ lục gần 2 tỷ USD.

Số lượng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch trên 1 tỷ USD tiếp tục tăng. “Câu lạc bộ 1 tỷ USD” lên tới 19 nhóm hàng gồm điện thoại và linh kiện, dệt may, điện tử, máy tính, giày dép, thủy sản… Một số mặt hàng cũng đạt thành tích xuất khẩu ấn tượng như rau quả, hạt tiêu, cà phê… Trong khi đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực lại có thành tích kém ấn tượng hơn khi giảm cả về lượng và giá trị như dầu thô, than đá, cao su, gạo. Theo phân tích của giới chuyên gia, lời giải cho bài toán cơ cấu lại mặt hàng xuất khẩu vẫn loay hoay với những ẩn số. Chúng ta vẫn quá phụ thuộc vào thị trường thế giới, chủ yếu dựa vào gia công lắp ráp và xuất khẩu thô. Điều này có nghĩa là vẫn “có gì xuất nấy”, chưa có chiến lược xuất khẩu được xây dựng dựa trên lợi thế so sánh với năng suất lao động cao và chủ động trong chuỗi giá trị toàn cầu. 

Một điểm đặc biệt đáng lưu ý, dù nước ta đã chuyển sang trạng thái thặng dư thương mại từ năm 2012, song khu vực kinh tế trong nước vẫn chưa thoát khỏi trạng thái thâm hụt. Đây có lẽ là mảng màu tối nhất trong bức tranh xuất khẩu. Khoảng cách năng lực xuất khẩu giữa khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài với khu vực kinh tế trong nước ngày càng rộng. Nếu các doanh nghiệp nước ta không xây dựng được chiến lược dài hơi thì cả quy mô xuất khẩu cũng khó tăng chứ chưa nói tới lợi ích thu được từ xuất khẩu sẽ chuyển sang tay các nhà đầu tư nước ngoài.

Năm ngoái, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu hơn 15 tỷ USD, trong khi khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu hơn 17 tỷ USD. Bức tranh tương phản giữa xuất siêu và nhập siêu không dễ thay đổi. Tuy nhiên, bức tranh này đang tươi sáng hơn khi nhập khẩu giảm bớt sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc cộng với nỗ lực tái cơ cấu toàn diện và hiệu quả ở cấp vĩ mô cũng như khả năng tự lực, tự cường của mỗi doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu.