Bị động trên sân nhà

ANTĐ - “Chúng ta đã chủ động chứ không phải đến bây giờ mới tìm mọi biện pháp để cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc. Đương nhiên, do quy mô giao thương tương đối lớn nên cần có thời gian để triển khai tích cực hơn”. Bộ trưởng Bộ Công thương đã trả lời như vậy trước những câu hỏi trên nghị trường Quốc hội vừa qua về một lộ trình tránh khỏi sự phụ thuộc của nền kinh tế nước ta vào Trung Quốc. Một câu hỏi khác được đặt ra: Vì sao Trung Quốc chỉ chọn Việt Nam mà không phải Lào, Thái Lan để thao túng và lũng đoạn thị trường, nhất là hàng nông sản?

Theo Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo ước đạt 1,2 tỷ USD, trong đó thị trường lớn nhất vẫn là Trung Quốc, chiếm gần 42% thị phần. Các hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch vẫn bình thường, xuất khẩu chính ngạch có dấu hiệu chậm lại do tâm lý. Tương tự, một số nông sản như dưa hấu, vải thiểu cũng giảm sút do thương lái Trung Quốc ép giá nặng nề hơn, khiến địa phương phải tính phương án tìm kiếm thị trường mới để giảm sự phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Năm 2013, Lục Ngạn (Bắc Giang) xuất sang Trung Quốc gần 50% tổng sản lượng vải thiều.

Việc tìm kiếm thị trường mới và chủ động về giá cả, chắc chắn  sẽ diễn ra theo một lộ trình rất dài và khó khăn, nếu người nông dân đồng lòng cùng chính quyền theo đuổi đến cùng mục tiêu đó, thì cũng sẽ phải mất dăm bảy mùa vải nữa. Chuyện quả vải thiều là một dẫn chứng cho thấy, lối thoát trong xuất khẩu nông sản theo con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc không hề đơn giản. Vấn đề đặt ra từ lâu không chỉ với một loại nông sản xuất khẩu tươi, mà làm sao xây dựng được  một hệ thống chế biến đồ hộp, sấy khô, nước ép ở các địa phương để nâng giá trị xuất khẩu sản phẩm, đặc biệt là không điêu đứng bởi sức ép của thương lái phía Bắc. Ở chiều ngược lại, ngay trên sân nhà, người nông dân, ngư dân nước ta đã và đang “ngậm đắng nuốt cay” từ những bài học thương lái Trung Quốc thu mua với giá rất cao, sau khi nông dân ồ ạt nuôi trồng, thu gom thì đột ngột không mua nữa.

Từng có những đợt họ thu mua rễ tiêu, lá điều, đọt khoai, đỉa, mới đây hàng trăm hécta ớt trồng ở Quảng Nam để bán cho Trung Quốc, giờ bị thương lái bỏ rơi sau khi hứa hẹn một sào ớt bằng mấy sào ngô. Còn ở vùng duyên hải từ Huế ra Quảng Trị vừa hình thành một “đội quân” những người săn giun biển, càn quét vùng bãi bồi vốn rất “nhạy cảm” cho nuôi trồng thủy sản. Tất nhiên cũng để bán cho lái buôn Trung Quốc. Lâu nay, câu hỏi tại sao họ có thể lộng hành, thao túng thị trường nước ta như “chỗ không người”, đã được đặt ra. Phải chăng vì các bộ, ngành, cơ quan có trách hiệm gần như không biết, nếu có biết cũng không phản ứng kịp? Cần một lộ trình để chủ động cải thiện cán cân giao thương với Trung Quốc, song sự bị động ngay trên sân nhà đâu cần một lộ trình.