Bắt đầu từ... con ốc

ANTĐ - Câu chuyện Việt Nam không thể sản xuất nổi con ốc vít hay cái sạc điện thoại, không chỉ được đề cập trên nghị trường kỳ họp Quốc hội cuối năm 2014, mà còn được thảo luận tại hàng chục hội nghị, hội thảo để góp ý về nghị định phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ. Ngay tại cuộc hội thảo vừa diễn ra, nhiều chuyên gia thẳng thắn chỉ rõ, các nhà hoạch định chiến lược phát triển công nghiệp trong nước đã xem thường những sản phẩm như con ốc vít, bu  lông, mà chỉ đầu tư cho những nhà máy, bằng những hợp đồng mua bán trọn gói với nước ngoài. Hệ quả, sau gần 30 năm mở cửa, Việt Nam chưa thể làm ra ốc vít đạt chuẩn quốc tế.

Khi mới mở cửa, có quan niệm rằng, phải “đi tắt, đón đầu” trong ngành công nghiệp, ý nói bỏ qua giai đoạn phát triển công nghệ thấp (công nghệ cơ bản) để tiếp cận công nghệ cao. Thực tế đã chứng minh, công nghiệp nước ta vẫn còn ở trạng thái “chập chững” thì không thể “đi tắt, đón đầu”. Hiện nay, dù đã hội nhập, mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, nhưng sản phẩm của ngành công nghiệp nước ta không thể vươn lên để cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa, không đủ năng lực là đối tác cho các nhà sản xuất nước ngoài.

Nói cách khác, doanh nghiệp Việt Nam chưa thể tạo ra sản phẩm độc lập, nói gì đến việc tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu. Năm 2014, giá trị xuất khẩu của Samsung Việt Nam đạt tới 2,8 tỷ USD, nhưng chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp nước ta tham gia với những sản phẩm giá trị thấp như bao bì, vỏ hộp. Tại nhà máy Intel  Products, phần lớn các phụ kiện, linh kiện đều nhập từ Malaysia. Doanh nghiệp nội địa chỉ cung cấp bao bì, xe đẩy, đồ gá... giá trị khoảng 11 triệu USD/năm. Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm tại Nhà máy Intel Việt Nam rất thấp so với yêu cầu, chỉ chiếm dưới 4%. 

Phát triển công nghiệp phải bắt đầu từ con ốc, có hàm ý không nên nóng vội, “bóc ngắn cắn dài”. Tuy nhiên, vấn đề Việt Nam có làm được con ốc vít hay không và có cần phải làm hay không vẫn còn nhiều tranh cãi. Nếu chúng ta cứ tự bằng lòng với thân phận làm con ốc vít, chiếc sạc pin dù có lãi nhưng ít ỏi, thì khó hy vọng có được một thương hiệu đẳng cấp quốc tế. Bao công sức của lao động Việt Nam vẫn tiếp tục bị chìm lấp dưới cái tên của các hãng nổi tiếng thế giới như Samsung, Nike, Adidas, Hermes... với hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam. Suy cho cùng, con ốc vít hay chiếc sạc pin dù nhỏ, dù không tạo ra thương hiệu quốc gia, nhưng vẫn không thể bỏ qua. Trái lại, nếu chúng ta thực sự quan tâm tới công nghiệp phụ trợ, sản xuất bằng được từ những vật liệu nhỏ nhất, đồng thời đầu tư kiên trì, mạnh mẽ cho công nghệ lõi, thì chắc chắn giá trị gia tăng của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam sẽ còn lớn hơn rất nhiều so với hiện  tại.