Áp lực từ hai phía

ANTĐ - Viện phí tăng, chất lượng dịch vụ y tế có tăng lên hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp tại hội nghị về điều chỉnh giá dịch vụ gắn với lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. 

Viện phí tăng lần gần nhất là năm 2013, nhưng nhiều địa phương mới áp dụng mức 60-80%. Đến năm 2016, sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và năm 2018 sẽ thêm chi phí quản lý. Khi giá dịch vụ được tính đúng, tính đủ, các bệnh viện sẽ không còn được ngân sách cấp kinh phí như hiện nay. Tuy nhiên, điều người dân quan tâm nhất là được cung cấp dịch vụ tốt và chi phí có thể chịu đựng được.

Theo đại diện Bộ Y tế, giá dịch vụ chưa được tính đúng, tính đủ nên bệnh viện, y bác sĩ sẽ phải căng sức tìm cách bù vào phần thiếu hụt. Trong khi đó, người bệnh cũng phải trả thêm một khoản chi phí. Do vậy, việc Bộ này chủ trương tiến dần đến việc tính đúng, tính đủ các loại chi phí vào giá dịch vụ là lựa chọn hợp lý, duy nhất. Bởi khi đó, các bệnh viện và cán bộ y tế không thể vin cớ “vì chưa được trả đủ tiền nên chất lượng phục vụ hạn chế”.

Theo tính toán của Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, hiện có 6 triệu người cận nghèo, trong đó 30% đã có thẻ BHYT, số còn lại chưa tham gia. Cả nước có 23 triệu người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi sẽ không bị ảnh hưởng nếu viện phí tăng. Bởi Luật BHYT mới áp dụng đã chi trả 100% viện phí cho 2 nhóm người này. Người cận nghèo cũng được giảm chi trả từ 20% xuống còn 5%.

Tuy vậy, vấn đề không đơn giản khi hiện còn tới 4 triệu người cận nghèo chưa có bảo hiểm thuộc nhóm rất khó mở rộng diện bao phủ BHYT, bên cạnh nhóm người lao động trong các doanh nghiệp tư nhân, người làm nghề tự do, người làm nông nghiệp... Dù có chính sách miễn giảm chi phí cho hình thức bảo hiểm hộ gia đình, nhưng đa số người dân trong nhóm tham gia bảo hiểm tự nguyện vẫn chưa chấp thuận chính sách này.

Đây cũng là lý do khiến Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa cho phép nới điều kiện tham gia BHYT với một số nhóm trong năm 2015. Bởi nếu bắt buộc họ tham gia theo hộ gia đình ngay từ năm 2015 là không khả thi.

Theo lộ trình, đến năm 2020, 80% người dân sẽ có BHYT. Đây cũng là thời điểm viện phí được tính đúng, tính đủ hoàn toàn. Lúc đó, 20% người dân chưa có BHYT sẽ bị tác động mạnh. Từ nay đến năm 2020, còn một khoảng thời gian khá dài để cân nhắc những chủ trương lớn ảnh hưởng tới hàng triệu người dân. Các bệnh viện tăng giá viện phí sẽ buộc phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Áp lực từ hai phía rất lớn: vừa làm hài lòng người bệnh, vừa nâng cao đời sống cho nhân viên y tế.