Súc vật “bậy” ra đường, chủ nhân có thể bị phạt 300.000 đồng

ANTĐ - Lâu nay, tình trạng súc vật phóng uế ra đường hoặc chăn nuôi gia súc gây ô nhiễm môi trường sống tại khu dân cư khiến người dân rất bức xúc. Nhưng thực tế là hiếm khi thấy chủ nhân của chúng bị xử phạt. Về vấn đề này, Luật sư Giang Hồng Thanh - Trưởng văn phòng Luật sư Giang Thanh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã có một số giải đáp.

Súc vật “bậy” ra đường, chủ nhân có thể bị phạt 300.000 đồng ảnh 1Mặc dù đã có quy định xử phạt hành vi để súc vật “bậy” ra đường
nhưng rất hiếm trường hợp bị xử phạt. Ảnh minh họa

- Thưa luật sư, pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành có quy định về xử phạt đối với hành vi để súc vật phóng uế ra đường hoặc chăn nuôi gia súc gây ô nhiễm?

 - Theo quy định của pháp luật hiện hành, tình trạng gia súc, gia cầm, trong đó có chó, mèo phóng uế bừa bãi nơi công cộng hoặc gây mất vệ sinh ở khu dân cư không bị coi là vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Bởi tại Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14- 11- 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường không có điều khoản nào xử phạt đối với hành vi nói trên. Tuy nhiên, hành vi này được xếp vào nhóm vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Nó cũng bị coi là gây ô nhiễm môi trường, nhưng ở cấp độ nhẹ hơn và cũng bị xử phạt hành chính. 

- Vậy, việc xử lý người thả rông súc vật hoặc chăn nuôi gia súc gây ô nhiễm môi trường sống ở đô thị được quy định cụ thể thế nào và những ai có thẩm quyền xử phạt, thưa luật sư?

-Theo Điều 7, khoản 1, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì hành vi "Để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng" và "Nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư" sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Ngoài ra người vi phạm còn phải khắc phục tình trạng ô nhiễm. Về thẩm quyền xử phạt, chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ, Trưởng công an cấp xã trở lên hoặc Chủ tịch UBND cấp xã trở lên đều có quyền xử phạt đối với hành vi này.

- Nhưng thực tiễn thì không mấy khi người vi phạm điều trên bị xử lý, vậy đâu là nguyên nhân?

Súc vật “bậy” ra đường, chủ nhân có thể bị phạt 300.000 đồng ảnh 2

- Có một thực tế là mặc dù quy định xử phạt hành vi nói trên đã khá rõ ràng và đầy đủ, nhưng rất hiếm khi người thực hiện hành vi đó bị xử phạt. Bản thân tôi cũng chưa bao giờ chứng kiến hoặc nghe nói người nào đó bị xử phạt vì để chó, mèo phóng uế hoặc chăn nuôi gia súc gây hôi thối. Trong khi đó, chúng ta có thể dễ dàng  nhìn thấy  tình trạng chó, mèo phóng uế bừa bãi ngoài đường nhưng chủ nhân của chúng vẫn thản nhiên dắt súc vật đi mà không thèm dọn dẹp và cũng chẳng có ai xử phạt họ cả. Việc không ai bị xử lý dẫn đến tình trạng nói trên ngày càng phổ biến khiến xã hội thậm chí còn coi như đó là một điều đương nhiên của cuộc sống. Theo tôi có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là người dân chưa được tuyên truyền, phổ biến pháp luật một cách đầy đủ. Và thứ hai là cơ quan pháp luật chưa thực sự coi trọng việc xử lý hành vi này. 

- Để cải thiện tình trạng này, theo luật sư chính quyền địa phương cần có những biện pháp gì?

- Tôi cho rằng việc giải quyết không quá khó khăn. Chẳng hạn như trước khi bắt tay vào xử lý, chính quyền địa phương tuyên truyền trên các phương tiện truyền thanh hoặc gửi bản cam kết đến từng hộ gia đình có nuôi gia súc, gia cầm, động vật. Nếu sau khi tuyên truyền mà vẫn có người vi phạm, cơ quan pháp luật áp dụng các chế tài hiện có để xử phạt họ. Thực hiện triệt để việc này, tôi chắc rằng chỉ trong một thời gian ngắn, tình trạng ô nhiễm môi trường sống do gia súc, gia cầm, động vật gây ra tại các đô thị, khu dân cư sẽ không còn là nỗi bức xúc của người dân.

- Cảm ơn luật sư!