Quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT

ANTĐ - Bộ Công an trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận về việc xử phạt vi phạm hành chính trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

Kiến nghị cử tri: Hiện nay tình hình vi phạm hành chính còn diễn ra khá phổ biến; trong đó vi phạm trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự xã hội còn khá phức tạp, nhất là trong các cơ sở vũ trường, karaoke, massage, các cơ sở cho thuê lưu trú, kinh doanh dịch vụ cầm đồ; nhưng việc xử lý không nghiêm, có trường hợp bao che, bỏ lọt hành vi vi phạm... Nguyên nhân của tình trạng trên có một phần là do một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, có biểu hiện tiêu cực, thậm chí có vi phạm pháp luật trong khi thi hành công vụ.

Trả lời: Thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, nhất là vũ trường, karaoke, massage, cho thuê lưu trú, dịch vụ cầm đồ… phát triển khá sôi động. Bên cạnh mặt tích cực, các lĩnh vực này cũng phát sinh và tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự, như: thuê khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ để hoạt động mại dâm, tổ chức đánh bạc, sử dụng trái phép chất ma túy; sử dụng các vũ trường, quán bar, karaoke làm nơi để ăn chơi thác loạn; lợi dụng hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ để tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật… gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc Nghị định số 72/2009/NĐ-CP, ngày 03/9/2009 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; ban hành Thông tư số 33/2010/TT-BCA, ngày 05/10/2010 hướng dẫn thi hành Nghị định trên; Chỉ thị số 08/CT-BCA, ngày 19/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật trự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ. Lực lượng Công an đã tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
Triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh quyết liệt với các tổ chức, đường dây, băng nhóm hoạt động phạm tội, tệ nạn xã hội; qua đó đã phát hiện, xử lý nhiều vụ tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong các vũ trường, quán bar, điển hình: vụ tổ chức đánh bạc ở Chùa Rận (Từ Sơn, Bắc Ninh), vụ vũ trường “New Sài Gòn” và “Gold Club” ở Thành phố Hồ Chí Minh…. Từ đầu năm 2012 đến nay, lực lượng Công an đã phát hiện 27.678 trường hợp các cơ sở kinh doanh vi phạm, lập hồ sơ đề nghị truy tố 289 vụ, 414 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính trên 50 tỷ đồng… Qua đó đã góp phần quan trọng trong phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này.

Tuy nhiên, tình hình vi phạm trong hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự vẫn còn khá phổ biến, nhất là ở các đô thị, thành phố lớn, gây lo lắng trong dư luận, tác động xấu đến tình hình an ninh, trật tự.

Nguyên nhân của tình hình trên là do:
Đối tượng phạm tội và phần tử xấu thường lợi dụng các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để hoạt động vi phạm pháp luật. Chế tài xử lý các hành vi vi phạm chưa đủ mạnh, nên tính răn đe, giáo dục còn hạn chế.  Tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, chiến sĩ được giao quản lý lĩnh vực này chưa cao. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa chặt chẽ, thường xuyên.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo  Công an các đơn vị,  địa phương thực hiện các giải pháp sau:

- Tham mưu chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành phối hợp tổng kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở hoạt động kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn, phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý để kịp thời khắc phục và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, cơ quan, tổ chức về các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự, về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm lợi dụng hoạt động này để mọi người dân biết và chấp hành nghiêm túc, đồng thời tố giác hành vi vi phạm cho cơ quan Công an, kịp thời xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc tình hình, sử dụng đồng bộ các biện pháp, kịp thời phát hiện, điều tra làm rõ các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự để vi phạm pháp luật. Chủ động phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường, Thuế, Hải quan, Thanh tra… tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện hoặc theo chuyên đề việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

- Tăng cường công tác quản lý cán bộ, rà soát, bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức tốt để quản lý cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Tổ chức quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, ý thức chấp hành quy chế làm việc, quy trình công tác, Điều lệnh Công an nhân dân; kịp thời phát hiện những cán bộ, chiến sĩ có hành vi bao che hoặc trực tiếp tham gia hoạt động vay nặng lãi, đòi nợ thuê để có biện pháp ngăn chặn hoặc xử lý nghiêm minh theo quy định của Ngành và quy định của pháp luật.

- Phối hợp với bộ, ban, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự cho phù hợp với thực tế, vừa bảo đảm quyền giao dịch dân sự vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ hoạt động này.