Trong một số vụ án xâm phạm tình dục

Nam giới có được coi là nạn nhân?

ANTĐ - Từ trước tới nay, theo quan niệm của nhiều người, trong các vụ án xâm phạm tình dục thì thủ phạm thường là nam giới, còn bị hại là nữ.

Kẻ phạm tội đã dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để buộc nạn nhân rơi vào tình trạng không thể chống cự hay tự vệ, từ đó thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái với ý muốn của người phụ nữ. Tuy nhiên, thời gian qua đã xuất hiện một số vụ án khá đặc biệt mà nạn nhân là nam giới. Vậy nên hiểu về vấn đề này như thế nào dưới góc độ tội phạm?

Những trường hợp hy hữu

Vụ án xảy ra cách đây không lâu, nạn nhân vụ án là anh Ngô Quốc Việt (SN 1984), trú tại tỉnh Hà Nam, tạm trú tại huyện Từ Liêm, Hà Nội. Theo lời anh Việt kể, tối 8-6-2011, anh đến nhà trọ của bạn gái ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm rủ đi chơi. Đến nơi, người bạn gái ngủ quên nên anh quay về nhà. Khi đi qua Bến xe Nam Thăng Long tới khu vực cánh đồng cỏ (đối diện công viên Hòa Bình), anh Việt dừng xe, vào phía đồng cỏ đi vệ sinh. Bất chợt anh thấy phía sau có một xe máy đèo 3 thanh niên không bật đèn lao nhanh về phía mình. Dù chưa biết việc gì xảy ra nhưng anh vẫn mở cốp xe lấy ra một con dao nhọn phòng thân rồi bỏ chạy vào sâu bên trong cánh đồng. Rất nhanh, 3 đối tượng đuổi theo, áp sát anh rồi khống chế, giằng con dao từ tay anh. Điều kỳ lạ là chúng không cướp tài sản gì của anh hay thực hiện những hành vi vũ lực khác mà bắt anh… cởi hết quần áo rồi thay nhau giở trò đồi bại với anh. Khi anh Việt chống cự quyết liệt, một đối tượng đã dùng dao nhọn đâm anh trọng thương.

Một bị cáo bị tuyên phạt 12 năm tù về tội hiếp dâm và lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Còn đây là một vụ án khác. Tối 7-4-2010, tại TP Đồng Hới, Quảng Bình, Nguyễn Văn Tình cùng một nhóm thanh niên đi uống rượu rồi lang thang các phố. Đến khuya, Tình cùng hai người bạn chở nhau trên xe máy về nhà và nhìn thấy bên đường có một cô gái đi bộ một mình. Vì đang có men rượu trong người nên cả bọn đều bị kích động. Chúng dừng xe tán tỉnh cô gái. Không dừng lại ở đó, Tình và các bạn bắt cô gái lên xe, chở đến bãi đất trống rồi thay nhau hãm hiếp. Ngay sau đó, nạn nhân đã đến CQĐT tố cáo hành vi hiếp dâm của Nguyễn Văn Tình và đồng bọn. Cô gái nộp kèm đơn là chiếc ví tiền mà Tình đánh rơi tại hiện trường. Sau khi bị bắt giữ, Tình và đồng bọn đã khai nhận toàn bộ hành vi đã thực hiện với cô gái như lời tố cáo của cô tại cơ quan điều tra.

Nhưng có một tình huống trớ trêu khi các điều tra viên phát hiện cô gái - nạn nhân lại là... nam giới. 4 năm trước, “cô gái” này đã ra nước ngoài phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Cô khẳng định, mình bây giờ là phụ nữ và yêu cầu CQĐT xử lý hình sự những kẻ đã hiếp dâm cô. Xác định đây là vụ án chưa từng xảy ra trong thực tế, nên công an TP Đồng Hới đã chuyển vụ án lên cho CQĐT công an tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, vì có quá nhiều ý kiến trái chiều nên việc xử lý các đối tượng phạm tội vẫn còn gặp khó khăn.

Một tình huống khác cũng rất hiếm xảy ra trong thực tế nhưng vẫn được những nhà làm luật quan tâm và dự báo: Một phụ nữ sử dụng hung khí rồi ép một nam thiếu niên dùng thuốc kích thích. Người thiếu niên này dù rất hoảng sợ nhưng ở thế “yếu” hơn nên phải nhượng bộ và tiếp đến, người phụ nữ ép cậu ta phải quan hệ tình dục với mình. Rõ ràng là người thiếu niên đã phải giao cấu trái với ý muốn của mình. Vậy trong trường hợp này, cậu thiếu niên có bị coi là nạn nhân của hành vi hiếp dâm hay không?

Pháp luật cần phải điều chỉnh

Từ trước tới nay, theo quan niệm chung, chủ thể của tội hiếp dâm phải là nam giới, nữ giới có thể là đồng phạm của tội hiếp dâm, nhưng không phải là người thực hành, họ có thể là người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức, tạo điều kiện (như vụ án bị cáo Lương Quốc Dũng bị xét xử về tội hiếp dâm trẻ em, còn Nguyễn Thị Quỳnh Nga là đồng phạm). Chính vì lẽ đó, trên thực tế chưa có vụ án nào được tòa án đưa ra xét xử mà bị cáo là nữ giới phạm tội “hiếp dâm” hay nam giới là nạn nhân của các vụ hiếp dâm. Do đó cũng chưa có tiền lệ để giải quyết các vụ án như thế này.

Theo quy định của BLHS và các văn bản pháp luật hướng dẫn Bộ luật này, hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định nạn nhân của tội hiếp dâm chỉ là phụ nữ. Tại khoản 1, Điều 111 (tội hiếp dâm) của  BLHS quy định:

“Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.
Như vậy, nạn nhân ở đây được xác định là người bị người khác dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được hoặc thủ đoạn khác giao cấu trái ý muốn của họ. Pháp luật không xác định nạn nhân chỉ là nữ giới mà không thể là nam giới. Chủ thể chỉ người có hành vi hiếp dâm được dùng là “người nào”, còn phía bị hại chỉ ghi là “nạn nhân”, như vậy, “người nào” và “nạn nhân” đều không quy định rõ là nam giới hay nữ giới.

Tương tự, tại khoản 1, Điều 112 (tội hiếp dâm trẻ em) quy định:

“Người nào hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm”.
Rõ ràng, pháp luật không chỉ quy định nạn nhân của tội hiếp dâm chỉ là nữ giới, mà còn có thể là nam giới. Như vậy, về góc độ pháp luật, hoàn toàn có thể coi nam giới là nạn nhân của các vụ án xâm phạm tình dục. Tuy nhiên, pháp luật hình sự Việt Nam cần phải điều chỉnh loại tội phạm này và được cụ thể hóa bằng Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn đường lối xét xử cho Tòa án cấp dưới trong việc áp dụng pháp luật đối với loại tội phạm mà chủ thể là phụ nữ với vai trò người thực hành có hành vi hiếp dâm mà bị hại là nam giới thì mới phù hợp với thông lệ Quốc tế về pháp luật hình sự.