Luật về thừa kế - nhiều quy định cần được làm rõ

ANTĐ - Thừa kế có thể là nguyên nhân phát sinh nhiều vụ tranh chấp trong các gia đình. Từ thực tế, có thể thấy, bên cạnh những quy định đã được sửa đổi mang tính tiến bộ thì Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi (gọi tắt là Dự thảo) vẫn giữ nguyên một số quy định cũ thiếu tính khả thi liên quan đến chế định này…

Luật về thừa kế - nhiều quy định cần được làm rõ ảnh 1Thừa kế có thể là nguyên nhân gây ra nhiều mâu thuẫn trong các gia đình
Ảnh minh họa PHÚ KHÁNH

Đó là nhận định của luật sư Võ Đình Hải – Đoàn Luật sư Hà Nội. Về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế, luật sư Võ Đình Hải phân tích, Điều 662 Dự thảo giữ nguyên nội dung điều 679 BLDS 2005: “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 657 và Điều 660 của Bộ luật này”. Theo quan điểm của cá nhân tôi, quy định này còn khá chung chung, khó áp dụng. Do vậy, cần quy định rõ hơn các điều kiện về con riêng và bố dượng, mẹ kế được hưởng thừa kế di sản của nhau như: Bắt đầu từ thời điểm nào, có cùng nơi cư trú không, việc chăm sóc, nuôi dưỡng biểu hiện ra sao…

Về vấn đề bổ sung, thay thế di chúc, Điều 647 Dự thảo quy định: “Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. Nếu người kia không đồng ý thì mỗi người có quyền lập di chúc liên quan đến phần tài sản của mình. Nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình”. Như vậy cụm từ “khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia”  theo quy định của Điều 664 BLDS 2005 đã bị lược bỏ và thêm vào: “Nếu người kia không đồng ý thì mỗi người có quyền lập di chúc liên quan đến phần tài sản của mình”. Bởi, nếu theo quy định của BLDS 2005, sau khi lập di chúc chung, bản di chúc này chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ khi vợ chồng cùng thống nhất. Do đó, nếu chỉ có vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ mà người kia không đồng ý thì không thể thực hiện được. Vấn đề này đã xâm phạm quyền tự định đoạt của người có sở hữu tài sản. Vì vậy, việc quy định “nếu người kia không đồng ý thì mỗi người có quyền lập di chúc liên quan đến phần tài sản của mình” tại Điều 647 của Dự thảo là rất tiến bộ, phù hợp với thực tiễn.

Cũng theo quy định tại Điều 647, sau khi lập di chúc chung của vợ chồng, nếu một người đã chết thì một người chỉ có quyền sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình. Như vậy, người vợ hoặc người chồng còn sống muốn thay thế, hủy bỏ di chúc đối với phần tài sản của mình thì không thể thực hiện được. Theo cá nhân tôi, điều này cần được xem xét, cân nhắc lại.

Cũng theo luật sư Võ Đình Hải, Điều 668 BLDS 2005 quy định, di chúc chung của vợ chồng có hiệu lực kể từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ chồng cùng chết. Quy định này đã được sửa đổi tại Điều 651 Dự thảo: “Trong trường hợp vợ, chồng lập di chúc chung mà có một người chết trước, thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực pháp luật; nếu vợ, chồng có thoả thuận trong di chúc về thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm người sau cùng chết, thì di sản của vợ, chồng theo di chúc chung chỉ được phân chia từ thời điểm đó”. Nguyên nhân dẫn đến việc sửa đổi này là do quy định cũ gây khó khăn cho nhiều trường hợp sau khi người vợ hoặc người chồng qua đời, các người thừa kế muốn thực hiện di chúc đối với phần tài sản của người đã qua đời nhưng không thể thực hiện được dẫn đến phát sinh nhiều mâu thuẫn. Mặt khác, quy định tại Điều 668 BLDS 2005 mâu thuẫn với Điều 663 và Điều 667. Do đó, việc quy định vấn đề này như trong Dự thảo là hoàn toàn hợp lý.