Giao dịch nhà đất bằng giấy viết tay vẫn hợp pháp

ANTĐ - Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung liên quan đến các quy định về giao dịch dân sự, theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền tự do thể hiện ý chí, sự an toàn pháp lý, sự ổn định của giao dịch, quyền, lợi ích của bên thiện chí, bên ngay tình. Trong đó, mặt hình thức của giao dịch dân sự (hợp đồng) cũng đã được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp hơn với thực tiễn hiện nay.  

Giao dịch nhà đất bằng giấy viết tay vẫn hợp pháp ảnh 1LS Trịnh Anh Dũng 

Cụ thể, theo quy định tại Điều 134 BLDS năm 2005, đối với các giao dịch mà pháp luật quy định phải được công chứng, chứng thực như: mua bán, chuyển nhượng, thế chấp, cho thuê nhà, đất…, nếu các bên chỉ ký hợp đồng viết tay với nhau mà không có công chứng thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác sẽ quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn nhất định. Nếu quá thời hạn đã ấn định mà các bên không thực hiện việc công chứng, chứng thực thì tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tuyên bố giao dịch đó bị vô hiệu. 

Vì thế có thể thấy, về nguyên tắc, quy định của pháp luật hiện hành xác định trong mọi trường hợp, nếu các bên xác lập các giao dịch liên quan đến nhà, đất bằng giấy viết tay (không có công chứng) thì giao dịch này có thể bị coi là vô hiệu, mặc dù việc xác lập giao dịch tuân thủ nguyên tắc tự nguyện và đã được các bên thực hiện xong, không còn vướng mắc gì. Khi giao dịch bị tuyên vô hiệu sẽ dẫn tới hệ quả là các bên buộc phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Như vậy, vô hình trung đã tạo ra sự phức tạp không đáng có trong đời sống xã hội. Ví dụ, ông A chuyển nhượng đất cho bà B, nhưng hai bên chỉ lập hợp đồng viết tay với nhau và trong quá trình sử dụng đất, bên nhận chuyển nhượng đã xây dựng nhà ở kiên cố. Sau đó, theo yêu cầu của một trong hai bên hoặc cả hai bên, tòa án sẽ yêu cầu các bên phải tiến hành ký kết hợp đồng lại và phải có công chứng, trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu việc này không thực hiện hoặc vì lý do bên A thiếu hợp tác không ký kết hợp đồng thì tòa án sẽ tuyên bố việc chuyển nhượng đất giữa ông A và bà B trước đây là vô hiệu. Hệ quả là bà B bị thua thiệt đủ đường, cho dù vào thời điểm giao kết hợp đồng, hai bên không hề có vướng mắc gì và đã thực hiện xong nghĩa vụ đối với nhau.          

   

Còn theo quy định tại Điều 145 - Dự thảo BLDS năm 2014, thì kể cả trong trường hợp các bên xác lập giao dịch dân sự liên quan đến nhà đất bằng giấy viết tay (không có công chứng, chứng thực), nhưng việc xác lập giao dịch không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác và chủ thể giao dịch dân sự đã chuyển giao tài sản hoặc đã thực hiện công việc theo thỏa thuận, thì giao dịch này vẫn được coi là hợp pháp. Quyền và lợi ích của các bên tham gia giao dịch vẫn được pháp luật bảo vệ. Như vậy, có thể thấy, quy định sửa đổi nêu trên thực sự là một tiến bộ căn bản, phù hợp với thực tiễn giao dịch dân sự trong lĩnh vực nhà, đất. Điều này vừa đảm bảo tính ổn định của giao dịch trong đời sống xã hội, vừa đảm bảo quyền và lợi ích của bên thiện chí, ngay tình. Về mặt lý luận, quy định cũng đảm bảo nguyên tắc trong quan hệ dân sự là các bên được tự nguyện và tự do thể hiện ý chí nếu ý chí đó không trái pháp luật hoặc không đi ngược đạo đức, truyền thống.