“Bỏ quên” trọng tài trong giải quyết tranh chấp

ANTĐ - Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi cho thấy, có sự thay đổi rất lớn trong quá trình tư duy và xây dựng luật khi đề cập tới mọi quan hệ dân sự theo hướng hài hòa với hệ thống quy định quốc tế và pháp luật dân sự của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số điểm được đánh giá là chưa thật hợp lý, cần tiếp tục nghiên cứu và điều chỉnh.

“Bỏ quên” trọng tài trong giải quyết tranh chấp ảnh 1Học viên Nguyễn Quyên - Học viện Tư pháp: “Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi vẫn còn một số điểm cần tiếp tục nghiên cứu và điều chỉnh”

Cụ thể, Dự thảo BLDS sửa đổi có sử dụng một số thuật ngữ khá xa lạ so với pháp luật của chúng ta. Đơn cử như khái niệm “trật tự công” lần đầu tiên được đề cập tại Điều 691, Điều 693 trong dự thảo. Tuy nhiên, dự thảo lại chưa giải thích rõ cụm từ “trật tự công” là gì và phải được hiểu, áp dụng như thế nào? Việc đảm bảo tuân thủ “trật tự công” có trùng với việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam không? Hay như thuật ngữ “lẽ công bằng” được thể hiện tại Điều 12 của dự thảo, song cụm từ này cũng chưa được giải thích đầy đủ. 

Liên quan đến giải quyết tranh chấp trong các hợp đồng kinh doanh thương mại, dự thảo BLDS sửa đổi đã “bỏ quên” chế định trọng tài. Theo đó, tại khoản 3, Điều 443 dự thảo quy  định: “Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận trong một khoảng thời gian hợp lý thì tòa án có thể: a) Chấm dứt hợp đồng và theo những điều khoản do Tòa án quyết định; b) Điều chỉnh Hợp đồng để phân chia cho các bên các thiệt hại và lợi ích phát sinh từ việc thay đổi hoàn cảnh một cách công bằng và bình đẳng. Tùy theo từng trường hợp, Tòa án có thể buộc bên từ chối đàm phán hoặc phá vỡ đàm phá một cách không thiện chí, trung thực phải bồi thường thiệt hại”. 

Với quy định như trên, rõ ràng, dự thảo chỉ đề cập đến vai trò của Tòa án mà không hề xác định vai trò của trọng tài. Trong khi đó, theo quy định của Luật Trọng tài Thương mại 2010 (tại khoản 1 Điều 5) xác định: “Tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài”. Do đó, với quy định này của dự thảo, trọng tài không có thẩm quyền điều chỉnh lại hợp đồng trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa các bên. Xét về nguyên tắc và chức năng, Tòa án và trọng tài đều là cơ quan tài phán, cơ quan giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại nếu các bên lựa chọn, áp dụng. Vì vậy, dự thảo cần bổ sung và xác định rõ vị trí của trọng tài khi giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng. Mặt khác, Điều 443 của dự thảo cũng cần bổ sung thêm các căn cứ, tiêu chí để Tòa án và trọng tài dựa vào đó xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng. Hoàn toàn không nên để quyền này được thực hiện trên cơ sở ý chí chủ quan của cơ quan giải quyết tranh chấp và cơ quan giải quyết tranh chấp cũng không cần thiết phải can thiệp quá sâu vào giao dịch của các bên, vô hình trung đi ngược với bản chất của giao dịch dân sự là tôn trọng sự tự nguyện và thỏa thuận của các bên.

Đối với quy định “chỉ được bồi thường thiệt hại khi các bên có thỏa thuận” thể hiện ở khoản 3, Điều 441 - Dự thảo BLDS sửa đổi cũng có phần chưa hợp lý. Bởi thực tế, khi giao kết hợp đồng, để tiết kiệm thời gian giao dịch, đa số các bên chỉ quan tâm đến các điều khoản cơ bản như: giá cả, loại hàng hóa, phương thức và hình thức thanh toán, thời hạn giao nhận hàng hóa… chứ ít khi quan tâm, lường trước đến các rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra. Vì thế, rất nhiều giao dịch không được các bên đề cập tới điều khoản bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Nếu quy định như trên thì trong chừng mực nào đó, pháp luật lại bảo vệ người gây thiệt hại. Trong khi đó, bên (người) gây ra thiệt hại phải bồi thường để bù đắp những mất mát do mình gây ra luôn là quy luật nhân quả và là triết lý sống của tất cả mọi người. Vì thế, nội dung này cũng cần phải xem xét, điều chỉnh như quy định tại Luật Thương mại hiện hành để phù hợp với thực tiễn và bảo đảm sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật.