Bộ Công an trả lời về tình trạng xe quá tải "né" trạm cân

ANTĐ - Bộ Công an trả lời kiến nghị của cử tri TP Hà Nội về tình trạng xe quá tải đi qua nhiều trạm kiểm tra, kiểm soát.

Kiến nghị của cử tri: Tình trạng xe quá tải, quá khổ với trọng tải cả trăm tấn đi qua nhiều trạm kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và các trạm cân lưu động của các tỉnh, thành phố dọc tuyến Quốc lộ 1A (như ngày 20/4/2014, xe 51C-178.99 kéo romooc chở hơn 100 tấn hàng từ Hà Nội vào đến Bình Thuận mới bị phát hiện và lập biên bản) nhưng không bị phát hiện, xử lý. Cử tri đề nghị Bộ Công an kiểm tra, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức ngành thiếu trách nhiệm trong vụ việc nêu trên.

Trả lời:  Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về tăng cường kiểm soát tải trọng xe ô tô trên đường bộ, Kế hoạch số 12593/KHPH/BGTVT-BCA, ngày 21/11/2013 của Bộ Giao thông vận tải - Bộ Công an phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng vượt quá trọng tải của xe ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ; trong 6 tháng đầu năm 2014, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông kiểm tra tại các trạm cân, phát hiện, lập biên bản 25.000 trường hợp vi phạm chở hàng quá trọng tải, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 77 tỷ đồng, tạm giữ 563 phương tiện, tước 14.000 giấy phép lái xe, xử lý hạ tải đối với 7.236 phương tiện vi phạm, 33.000 tấn hàng.

Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông đã chủ động kiểm tra, phát hiện, lập biên bản 47.000 trường hợp vi phạm chở hàng quá trọng tải, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 106 tỷ đồng, tạm giữ 1.845 phương tiện, tước 23.000 giấy phép lái xe, xử lý hạ tải đối với 8.792 phương tiện vi phạm, với 27.000 tấn hàng. Việc đồng loạt ra quân xử lý xe ô tô chở quá trọng tải trong toàn quốc đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe trong việc chấp hành quy định về vận tải đường bộ và đã có chuyển biến tích cực, được dư luận xã hội đồng thuận, ủng hộ.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng xe quá tải tránh né các trạm cân và lưu thông khi trạm cân dừng hoạt động, nguyên nhân là do thời gian đầu thực hiện việc kiểm soát trọng tải phương tiện, một số địa phương chưa thực hiện tốt việc kiểm tra liên tục 24h trong ngày, mà chỉ thực hiện vào giờ hành chính hoặc 01 ngày chỉ làm 8h; mặt khác, mỗi địa phương chỉ được trang bị 01 trạm cân lưu động, trong khi đó địa bàn rộng có nhiều tuyến đường đi qua nên không quán xuyến, kiểm soát triệt để được xe quá trọng tải qua địa bàn quản lý (khi cân ở khu vực này thì lái xe, chủ xe tìm cách né, tránh đi qua khu vực khác). Sau khi phát hiện những bất cập tồn tại này, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì báo cáo Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát tải trọng xe 24h trong ngày và 07 ngày trong tuần, do vậy, đã giảm hẳn việc xe ô tô dừng đỗ ở đầu trạm cân cũng như né tránh trạm cân.  

Về vụ việc chiếc xe 51C-17899 kéo rơmoóc chở hơn 100 tấn hàng từ Hà Nội vào đến Bình Thuận mới bị phát hiện và lập biên bản: Ngày 25/4/2014, Bộ Công an đã có Điện chỉ đạo Công an các địa phương dọc tuyến quốc lộ 1A từ Hà Nội đến Đồng Nai khẩn trương kiểm tra, xác minh, báo cáo việc kiểm tra, xử lý đối với chiếc xe ô tô trên. Đây là thời gian đầu mới triển khai các trạm cân lưu động, công tác phối hợp chưa chặt chẽ, nên lái xe ô tô biển kiểm soát  51C – 17899 chở hàng quá tải trọng, di chuyển từ Hà Nội đến Bình Thuận, quá trình lưu thông trên đường lái xe đã tìm mọi cách để né, tránh các tổ tuần tra kiểm soát và các trạm cân, khi đến tỉnh Bình Thuận mới bị phát hiện, lập biên bản; do lực lượng Thanh tra giao thông tỉnh Bình Thuận không bố trí đủ thiết bị hạ tải, bãi hạ tải nên mới chỉ lập biên bản vi phạm mà chưa buộc hạ tải, cho xe tiếp tục lưu hành; sau đó chiếc xe này đi đến địa phận tỉnh Long An thì lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Long An phát hiện, lập biên bản tạm giữ, yêu cầu lái xe, chủ xe phải chuyển tải bằng đường thủy về Thành phố Cần Thơ. 

Thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Kế hoạch số 12593/KHPH/BGTVT-BCA, nhằm góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, Bộ Công an đang chỉ đạo:

- Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, xác định công tác kiểm soát tải trọng xe là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của ngành Giao thông vận tải triển khai đồng bộ, quyết liệt, thường xuyên liên tục, lâu dài, đúng chức năng, nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch số 12593/KHPH/BGTVT-BCA. Chủ động tổ chức lực lượng kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm của xe ôtô chở hàng quá trọng tải. 

- Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả mô hình các tổ công tác phối hợp giữa Cảnh sát giao thông, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát 113... để tăng cường tuần tra, kiểm soát, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, nhất là phòng, chống tình trạng “cò”, “môi giới dẫn xe”  chở hàng quá tải trọng đi qua các trạm cân, trốn tránh việc kiểm soát của các lực lượng chức năng.

- Tham mưu cấp uỷ, chính quyền các cấp chỉ đạo đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự nói chung, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói riêng; chỉ đạo các cơ quan ban, ngành địa phương phối hợp  thống nhất thực hiện có hiệu quả Thông tư liên ngành về xử lý xe quá trọng tải, góp phần đảm bảo, trật tự an toàn giao thông. 

-  Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông vi phạm quy trình công tác, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ hoặc tiêu cực (dừng xe không kiểm soát, kiểm soát qua loa, bỏ qua vi phạm...), tùy theo mức độ sai phạm để có hình thức xử lý nghiêm minh, đồng thời xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo chỉ huy để cán bộ, chiến sĩ vi phạm theo quy định.