Bộ Công an trả lời về biện pháp hạn chế tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội

ANTĐ - Bộ Công an trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Nghệ An về việc hạn chế tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội.

Kiến nghị của cử tri:  Tình hình tội phạm như ma túy, cướp giật, cố ý gây thương tích và tệ nạn xã hội có chiều hướng phát triển. Công tác quản lý nhà nước và cơ quan chức năng vào cuộc chưa quyết liệt, có biểu hiện không trong sáng, bao che của cơ quan chức năng. Cử tri đề nghị Nhà nước có biện pháp giải quyết mong muốn của nhân dân một cách triệt để. 

Trả lời:  Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lực lượng Công an nhân dân đã tập trung tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm, liên tục triển khai các chương trình, kế hoạch, biện pháp tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, kiềm chế gia tăng tội phạm, vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh, trật tự của đất nước.

Năm 2013, lực lượng Công an đã điều tra, khám phá 44.033 vụ phạm tội về trật tự xã hội, bắt xử lý 88.259 đối tượng, đạt tỷ lệ 74,49% cao hơn 1,09% so với năm 2012; bắt 7.980 vụ cờ bạc, 721 vụ mại dâm, 18.384 vụ phạm tội về ma túy; triệt phá 2.640 băng, nhóm tội phạm. Trong 6 tháng đầu năm 2014, đã điều tra, khám phá 22.002 vụ phạm tội về trật tự xã hội, bắt xử lý 45.261 đối tượng, đạt tỷ lệ 75,58%, cao hơn 0,1% so với cùng kỳ năm 2013; bắt 4.569 vụ cờ bạc, 351 vụ mại dâm, 9.347 vụ phạm tội về ma túy; triệt phá 1.469 băng, nhóm tội phạm, trong đó có nhiều băng, nhóm tội phạm nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.

Tuy nhiên, tình hình tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp, là nguồn phát sinh, phát triển tội phạm; tệ nạn cờ bạc dưới hình thức chơi “lô đề” diễn ra phổ biến ở các địa phương; tệ nạn mại dâm có xu hướng mở rộng về phạm vi, quy mô hoạt động và diện đối tượng tham gia; tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp trong các nhà hàng, vũ trường, bar, karaoke diễn ra phức tạp. 

Nguyên nhân của tình trạng trên, chủ yếu là do:Tình hình kinh tế còn khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tiếp tục gia tăng kéo theo nhiều người lao động mất việc làm tạo áp lực lớn đến các vấn đề xã hội.

Đạo đức trong gia đình, nhà trường, xã hội, lối sống thực dụng, hưởng thụ, chạy theo lợi ích vật chất, nhất là trong thanh, thiếu niên rất đáng lo ngại. Tác động tiêu cực của ấn phẩm đồi trụy, trò chơi trực tuyến trên mạng Internet (game online) đối với thanh, thiếu niên đang trong độ tuổi phát triển về nhận thức, tâm, sinh lý chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.

Số người nghiện ma túy chưa giảm, số người nghiện ma túy tổng hợp có chiều hướng tăng và diễn biến phức tạp, nhất là ở địa bàn các thành phố lớn, tiềm ẩn nhiều yếu tố làm nảy sinh tội phạm (cả nước hiện có trên 180.000 người nghiện ma túy). Công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ còn nhiều hạn chế, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều sơ hở.

Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa được duy trì thường xuyên. Ý thức cảnh giác, tự bảo vệ tài sản của nhiều người còn hạn chế, chủ quan, sơ hở, bị tội phạm lợi dụng, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn chưa cao.

Trước tình hình trên, Bộ Công an đã và đang tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện các công tác trọng tâm sau:

- Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới" gắn với thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13, ngày 23/11/2012, Nghị quyết số 63/2013/QH13, ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012-2015; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự. 

- Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân; triển khai thực hiện các chương trình, nghị quyết, thông tư liên tịch nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội, giáo dục các đối tượng có nguy cơ cao về tội phạm, vi phạm pháp luật hoặc bị tội phạm xâm hại; đẩy mạnh xây dựng các phong trào quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc như mô hình “Tuần tra nhân dân”, “Tổ an ninh xã hội”, “Khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự”.

- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự. Tiếp tục duy trì và xây dựng các đội săn bắt cướp, nhân rộng mô hình tổ công tác phối hợp 03 lực lượng (Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự) ở Công an các đơn vị, địa phương trong phòng, chống tội phạm, nhất là phòng, chống cướp, cướp giật tài sản, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các vụ gây rối trật tự công cộng.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Nghị định số 72/2009/NĐ-CP, ngày 03/9/2009 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; Chỉ thị số 08/CT-BCA, ngày 19/9/2013 của Bộ Công an về tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ.

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; tiếp tục thiết lập, tổ chức hoạt động của các “đường dây nóng” (điện thoại, email), hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận, xử lý kịp thời mọi thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm.

- Triển khai liên tục các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung trấn áp các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, hoạt động đâm thuê, chém mướn, tội phạm sử dụng vũ khí gây án, giết người, cướp, cướp giật tài sản; các băng, nhóm đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, các đường dây môi giới mại dâm, tàng trữ, vận chuyển, mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy... Phối hợp chặt chẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm khách quan, nghiêm minh, không để tội phạm hoạt động lộng hành. Điều tra khám phá nhanh các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội; phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án đưa ra xét xử kịp thời các vụ án điểm nhằm răn đe tội phạm.

- Tập trung rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Kiến nghị của cử tri về hiện tượng bảo kê, bao che cho tội phạm của các cơ quan chức năng, Bộ Công an xin trả lời, như sau:

Xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh là mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Để phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hiện tượng tiêu cực của cán bộ, chiến sĩ Công an trong thi hành nhiệm vụ, ngày 28/9/2011, Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị số 12/2011/CT-BCA về tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an; Đồng thời, thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; kiên quyết xử lý những cán bộ chiến sĩ có biểu hiện tiêu cực, bao che cho tội phạm. 

Bộ Công an đề nghị cử tri, các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, giám sát hoạt động của lực lượng Công an, kịp thời hỗ trợ, bảo vệ, động viên cán bộ, chiến sĩ Công an trong khi làm nhiệm vụ; đồng thời phát hiện các biểu hiện tiêu cực để phản ánh kịp thời cho cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.