Đừng để mất tiền oan khi bảo dưỡng xe

ANTĐ - Với mong muốn có một chiếc xe sạch sẽ, nuột nà từ trong ra ngoài để du xuân nên càng gần đến Tết, lượng người mang ô tô, xe máy đi bảo dưỡng, sửa chữa không ngừng tăng lên. Lợi dụng cơ hội này, nhiều cửa hàng cung cấp dịch vụ đua nhau tung “chiêu” moi tiền của khách…

Đừng để mất tiền oan khi bảo dưỡng xe  ảnh 1Khách hàng cần lựa chọn điểm sửa xe có uy tín

Loạn giá

Cuối tuần trước, để đảm bảo an toàn cho việc đi lại của cả gia đình trong dịp Tết sắp tới, anh Nguyễn Văn Hòa ở ngõ 97 phố Văn Cao, quận Ba Đình, Hà Nội đã mang chiếc xe ô tô hiệu Corolla Altis đi bảo dưỡng. Do xe có vết rạn ở tấm kính phía trước và xước một vài chỗ trên thân nên anh Hòa đã đưa xe đến một điểm sửa chữa ô tô trên đường Lê Văn Lương để xử lý. Tổng chi phí anh Hòa phải thanh toán là 14 triệu đồng. Thấy giá khá cao, anh Hòa đã gọi điện đến 3 điểm cung cấp dịch vụ khác thì nhận được 3 báo giá với mức chênh lệch hàng triệu đồng. “Biết trước thế này, tôi đã mang xe vào hãng. Sửa bên ngoài tuy có nhanh hơn song giá vừa đắt mà chất lượng chả biết thế nào” – anh Hòa chia sẻ.

Dạo một vòng qua các tuyến phố Hàng Muối, Trần Quang Khải, Lê Văn Lương…, chúng tôi thấy các cửa hàng sửa chữa, bảo dưỡng xe ô tô khá đông khách. Ngoài sửa chữa, thay thế thiết bị, các cửa hàng còn cung cấp dịch vụ chăm sóc nội thất xe (hút bụi làm sạch và phục hồi bề mặt da). Chi phí thực hiện các công việc này phụ thuộc vào từng loại xe, song trung bình dao động từ 2-3 triệu đồng.

Ngoài ô tô, số lượng xe máy được người dân đem đi bảo dưỡng vào dịp cuối năm cũng khá nhiều. Chị Nguyễn Thanh Thủy ở ngõ 233 đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy cho biết, trung tuần tháng 1, chị mang chiếc xe Honda nhãn hiệu Spacy đi dán lại và bảo dưỡng toàn bộ tại một cửa hàng sửa chữa xe máy trên đường Láng. Sau 3 giờ chờ đợi, chị Thủy nhận được hóa đơn thanh toán lên đến 2,5 triệu đồng với một bảng kê dài dằng dặc: thay lốp sau, thay má phanh, thay ắc-quy… Trong đó có một số bộ phận chị Thủy vừa mới thay vài tháng trước.

Khi chị Thủy tỏ ý không bằng lòng vì việc cửa hàng tự tiện thay thiết bị không hỏi ý kiến thì nhận được câu trả lời của nhân viên cửa hàng: “Nếu chị không đồng ý thay, chúng tôi sẽ tháo ra lắp lại đồ cũ, còn việc xe đi có an toàn hay không, chị chịu trách nhiệm”. 

Ngoài sửa chữa, bảo dưỡng, dịch vụ dán xe cuối năm cũng hút khách dù đã tăng giá từ 30.000-50.000 đồng/xe. Với xe máy, giá dán 3 lớp màu khoảng 500.000 đồng/xe, nếu dán thêm các họa tiết sẽ tính thêm tiền. 

Cần siết chặt quản lý

Nói về những “chiêu” móc túi khách hàng dịp cuối năm, anh Đào Thái Hùng – chủ một cửa hàng sửa chữa xe có uy tín trên đường Đội Cấn cho biết, thông thường khi gặp khách hàng nữ - những người ít am hiểu về xe cộ, ít quan sát, để ý trong quá trình sửa xe, thợ sửa xe sẽ tìm cách thay thế phụ tùng, thiết bị. Không những thế, lợi dụng lúc khách không để  ý, các cơ sở bảo dưỡng còn có “chiêu” cố tình làm đứt dây mát để xe không nổ máy rồi đổ cho hỏng IC nhằm yêu cầu khách thay cũng diễn ra khá phổ biến. Theo anh Hùng, chính việc người dân đổ xô đi sửa xe vào dịp cuối năm cũng tạo điều kiện cho các cửa hàng sửa xe tăng giá vô tội vạ, sửa chữa qua loa không đảm bảo chất lượng. Nguy hiểm ở chỗ, một số khách hàng đã giao xe cho những thợ mới học việc, thiết bị thay thế không đồng bộ, không đảm bảo chất lượng nên đã gây mất an toàn cho người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. 

Về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, Nhà nước cần tăng cường quản lý đối với các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô, xe máy. Bởi hiện có không ít cơ sở không có đủ trang thiết bị, nhân viên không được đào tạo bài bản… dẫn đến chất lượng sửa chữa xe không đảm bảo, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần siết chặt quy định về điều kiện được phép mở cửa hàng sửa chữa ô tô, xe máy, tránh tình trạng dịch vụ này phát triển tràn lan và không được kiểm soát như hiện nay…