Để tiền chảy đúng chỗ

ANTĐ - Tiền gửi tiết kiệm, mua vàng, đầu tư vào chứng khoán hay đổ vào thị trường bất động sản trong khi kinh tế có dấu hiệu khởi sắc, là câu hỏi được các chuyên gia đặt ra tại hội thảo về tỷ giá do Học viện Tài chính tổ chức mới đây. Ngoài vốn của các tổ chức, doanh nghiệp, lượng kiều hối đang rót cho nền kinh tế, hiện còn dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư không thể biết chính xác là bao nhiêu và đang đổ vào kênh nào để có lãi suất.

Đối với kênh gửi tiết kiệm, Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến hết tháng 3 vừa qua, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng tăng 0,94% so với tháng 12-2014. Tại Hà Nội, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trong tháng 5 ước tính tăng 7,1% so với tháng 12 năm ngoái. Tại TP.HCM con số này kém lạc quan hơn, chỉ tăng 0,4%. Nguyên nhân chủ yếu do giảm đáng kể lãi suất tiền gửi. Nhóm nghiên cứu của Học viện Tài chính khẳng định với mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay, dòng tiền tiết kiệm sẽ có xu hướng chảy vào bất động sản. Chẳng hạn, trong 4 tháng đầu năm, tính thanh khoản bất động sản cao gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Đã có 8.200 giao dịch thành công tại Hà Nội và TP.HCM. 

Đưa ra góc nhìn về những kênh đầu tư từ năm 2012 đến nay, đại diện Công ty quản lỹ Quỹ VinaWeath nhận định, mặc dù tiền gửi ngân hàng an toàn, tiện lợi, linh hoạt và thanh khoản cao, nhưng lãi suất liên tục đi xuống. Do vậy, lợi nhuận của kênh đầu tư này ngày càng kém sức hút. Điều này giải thích vì sao người dân đang muốn chuyển dịch từ kênh gửi tiền sang các kênh đầu tư khác. Đối với kênh đầu tư vào vàng, theo Hiệp hội Vàng thế giới, tổng lượng tiêu thụ vàng của Việt Nam trong quý I-2015 ở mức cao song vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung năm nay, xu hướng tích trữ và mua vàng giảm hẳn. Do khó nắm bắt được chu kỳ lên xuống của thị trường vàng thế giới và chính sách quản lý siết chặt, nhà đầu tư nếu không chuyên nghiệp có thể gặp rủi ro lớn.

Dòng tiền đang chảy vào đâu? Liệu người dân có mặn mà gửi tiết kiệm hay đầu tư vào các kênh khác? Đại diện một số ngân hàng lớn cho rằng, hiện tỷ giá đã tăng hết dư địa 2% trong năm nay nên khó có thể tăng thêm. So sánh có thể thấy, gửi VND vẫn có lợi hơn USD ít nhất 4,5%/năm. Vì vậy, theo một thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ và chính sách tài chính, gửi tiền tiết kiệm vẫn lãi hơn găm giữ USD. Cuối năm, tiền có thể chảy sang các kênh bất động sản, chứng khoán và nên nhìn nhận đây là dấu hiệu tốt, chứng tỏ tiềm năng cho sự phục hồi kinh tế. Vấn đề là người cầm lái cần hướng dòng tiền chảy vào đúng chỗ sao cho ích nước, lợi dân.