Biến động tỷ giá, giá vàng: Không còn gây hoang mang, xáo trộn

ANTĐ  - Theo nhìn nhận của các chuyên gia, trước đây việc giá USD tăng vào thời điểm cuối năm đã trở thành quy luật, tuy nhiên quy luật này đang dần thay đổi theo hướng ổn định hơn. Với những thông điệp và biện pháp mạnh mẽ từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), những cơn “sốt ảo” trên thị trường vàng, USD đã bị đẩy lùi. Biến động tỷ giá, giá vàng thời gian gần đây không còn gây ra những hoang mang, xáo trộn trong đời sống. 
Biến động tỷ giá, giá vàng: Không còn gây hoang mang, xáo trộn  ảnh 1
Tỷ giá, giá vàng thời gian gần đây không có biến động lớn

Hết cảnh chen chúc mua vàng 

Hôm qua (10-10), giá vàng trong nước giảm nhẹ so với phiên giao dịch ngày hôm trước và mở cửa ở mức 35,74 triệu đồng/lượng (mua vào) và 35,86 triệu đồng/lượng (bán ra). Sau đó giá vàng tiếp tục được các công ty điều chỉnh giảm nhẹ. So với thời điểm cách đây 3 tháng, giá vàng đã có bước giảm tới hơn 1 triệu đồng mỗi lượng. Và mức giá hiện nay cũng là mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua. 

Trong suốt thời gian đó, mức độ biến động của giá vàng cơ bản không quá mạnh ngay trong phiên hay là giữa các phiên. Điểm đáng chú ý là biên độ chênh lệch giữa giá mua và giá bán tương đối hẹp, dao động trong khoảng 100.000 – 150.000 đồng mỗi lượng. Tỷ lệ khách hàng giao dịch mua bán vàng theo các cửa hàng kinh doanh là tương đối cân bằng. 

Nhu cầu về vàng hiện nay cũng cơ bản ổn định, không xảy ra hiện tượng “sốt giá” khi nhu cầu tăng vọt như trong năm 2013. Kể từ đầu năm, thị trường cũng có những phiên biến động mạnh, nhưng theo đánh giá của cơ quan quản lý cũng như chuyên gia thì việc tăng giá chủ yếu do yếu tố tâm lý chứ không phải do mất cân đối cung cầu. Điều này cũng phần nào được thể hiện qua việc đã khá lâu NHNN không tổ chức các phiên đấu thầu vàng miếng. 

Anh Nguyễn Hoàng Hải (phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, hai vợ chồng anh đều làm trong cơ quan nhà nước, thu nhập cũng chỉ đủ chi tiêu và chút ít để dành. Năm ngoái, khi giá vàng biến động mạnh, dân tình chen nhau đi mua nên anh Hải cũng rút tiền ngân hàng mua 2 lượng với giá 40 triệu đồng/lượng. Đến cuối năm chỉ còn có 35 triệu đồng/lượng, lỗ ngay 10 triệu đồng một cách hết sức đơn giản.

“Giờ nghe thấy giá vàng lên xuống tôi cũng thấy bình thường. Hơn nữa nhìn giá vàng không nhảy múa như năm ngoái lại thấy mừng. Giá cả nói chung nhờ thế cũng đỡ đua theo mà tăng giá”, anh Hải nói. 

Trong khi đó, theo nhìn nhận từ phía các chuyên gia, mặc dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn còn tương đối lớn, song điều đáng ghi nhận là nhu cầu về vàng cũng như biến động không còn quá mạnh gây áp lực lên tỷ giá cũng như kinh tế nói chung. 

Tỷ giá thôi “nhảy múa” cuối năm

Trong những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10, tỷ giá USD/VND liên tiếp được các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng khiến thị trường “gợn sóng”. Lo ngại về khả năng USD tăng giá dịp cuối năm theo quy luật lại dấy lên. Tuy nhiên, ngay sau khi Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng “đăng đàn” khẳng định sẽ không điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng mà giữ ổn định như hiện nay thì giá USD lại liên tục giảm. 

Cho đến chiều qua (10-10), tỷ giá đã giảm ngày thứ 5 liên tiếp với mức giảm từ 20-30 đồng/USD cho cả 2 chiều mua vào – bán ra. Giá mua vào của các ngân hàng phổ biến ở mức 21.180-21.185 đồng/USD, giá bán ra phổ biến ở mức 21.260-21.230 đồng/USD. Như vậy có thể thấy, giá USD đã quay về gần như ngang bằng với thời điểm cuối tháng 9, trước khi thị trường “tạo sóng”. 

Giám đốc Chi nhánh một Ngân hàng thương mại cho biết: “Việc các ngân hàng tăng tỷ giá thời gian qua có thể do tác động từ tin đồn NHNN điều chỉnh tỷ giá, nhu cầu cần ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa cuối năm cũng tăng, doanh nghiệp cần mua USD trả nợ... Nhưng ngay khi NHNN đưa ra thông điệp giá USD đã giảm càng chứng tỏ nguyên nhân chính của đợt tăng giá là do tâm lý”. 

Các chuyên gia cho rằng, về cơ bản với nhu cầu cao vào cuối năm, tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định và có thể tăng nhẹ từ nay tới cuối năm. Nhưng quy luật giá USD “tăng nóng” do mất cân đối cung cầu, ngân hàng khan USD trong mấy năm qua không còn rõ nét, thậm chí dường như không xuất hiện. 

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng: “Việc điều chỉnh giá USD không nên quá cứng nhắc, cần tùy theo tình hình để có sự điều chỉnh mềm mại. Việc điều chỉnh tỷ giá tăng sẽ có lợi cho xuất khẩu, còn neo lại, thì có lợi cho nhập khẩu. Với người dân, hiện các kênh đầu tư khó khăn, tiền vẫn chảy vào ngân hàng thì việc giữ giá trị VND là rất tốt với họ. Bất kỳ một chính sách tiền tệ nào, cũng có tác động hai chiều, lợi bên này, hại bên kia do đó cần cân nhắc để giải quyết hài hòa nhất, có lợi nhất cho nền kinh tế”.