Xử lý nghiêm các hành vi cản trở hoạt động tố tụng

ANTĐ -Chiều 28-5, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2013…

Đương sự có quyền tiếp cận chứng cứ

Mở đầu phiên họp, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đọc Tờ trình dự án Luật tố tụng hành chính (TTHC- sửa đổi). Dự thảo Luật gồm 22 chương, 340 điều. So với Luật TTHC hiện hành, dự thảo tăng thêm 75 điều.
Về quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật TTHC hiện hành, Dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự để bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Cụ thể, đương sự có quyền tiếp cận chứng cứ; quyền đề nghị Tòa án tổ chức phiên họp và tham gia phiên họp xem xét việc thụ lý, xác minh, thu thập chứng cứ và giải quyết các yêu cầu khác về tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án; đề nghị những vấn đề cần tranh tụng; tham gia tranh tụng tại phiên toà; bổ sung nguyên tắc xử lý đối với người tham gia tố tụng vi phạm nghĩa vụ trong tố tụng hành chính mà gây hậu quả nghiêm trọng hoặc cản trở hoạt động tố tụng của Toà án.

Dự thảo cũng quy định về phạm vi, điều kiện, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn...Đây là quy định mới được bổ sung để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, bảo đảm giải quyết kịp thời những vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng.

Quang cảnh phiên họp chiều 28-5

Bên cạnh đó, Dự thảo quy định xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong việc giải quyết các vụ án hành chính tại chương XX. Đây là chương mới được bổ sung để tạo cơ sở pháp lý cho việc quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền, mức tiền phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động TTHC nhằm xử lý nghiêm minh các hành vi cản trở hoạt động TTHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm sự tôn nghiêm của Toà án, tạo điều kiện để Toà án giải quyết các vụ án hành chính nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật.

Tại Báo cáo thẩm tra dự án Luật TTHC (sửa đổi), Ủy ban tư pháp (UBTP)  của Quốc hội UBTP tán thành với việc bổ sung quy định về thủ tục rút gọn và điều kiện áp dụng thủ tục trong dự thảo. Tuy nhiên, theo UBTP, dự thảo Luật chưa có quy định về các trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm theo thủ tục rút gọn…
 Về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính của TAND, UBTP tán thành với ý kiến đề nghị quy định trong dự thảo nhằm xác định rõ hành vi vi phạm nào được coi là cản trở hoạt động tố tụng hành chính của TAND và bị xử lý hành chính cũng như hình thức xử lý, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Còn trình tự, thủ tục, thẩm quyền, mức tiền phạt… UBTP đề nghị thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính mà không giao cho UBTVQH hoặc Tòa án nhân dân tối cao quy định như các phương án nêu tại Điều 324 dự thảo Luật. UBTP cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại các hành vi nêu tại Chương XX dự thảo bảo đảm xác định đúng hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND.
Cần có biện pháp chống thất thu thuế

Cuối buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013. ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) phát biểu, thu tuy có tăng nhưng chủ yếu do giá dầu. Hiện vẫn còn tình trạng thất thu thuế, chuyển giá... Về chi, bội chi có một số vấn đề đáng quan tâm: Kỷ luật tài chính trong bội chi, khả năng về hoàn trả và những hậu quả của nó. Trên cơ sở đó, ĐB Đỗ Mạnh Hùng kiến nghị, trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua quyết toán đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về vấn đề bội chi; Tăng cường kỷ luật tài chính, minh bạch hơn về quản lý ngân sách Nhà nước; Nâng cao  tỷ lệ và chất lượng các kiến nghị của kiểm toán Nhà nước.

ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) nêu ý kiến, kế hoạch thu - chi chưa sát với thực tiễn, nhiều năm liền chi cho giáo dục, khoa học công nghệ không đạt, đồng thời đề nghị Chính phủ làm rõ hiệu quả của gói kích cầu thị trường bất động sản.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh) phát biểu

ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) kiến nghị, khi thông qua Luật ngân sách Nhà nước sắp tới, những tồn tại cần được khắc phục ngay. Quốc hội cần giám sát những nơi được phân bố ngân sách nhưng có vi phạm để báo cáo kịp thời.
Báo cáo về vấn đề bội chi ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tăng chi là do trả nợ quỹ hoàn thế GTGT, tăng chi từ nguồn vốn giải ngân ODA. Về số giải ngân tăng so với dự toán, Chính phủ đã nhận nợ và tính vào nợ công. Để chống thất thu thuế, cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra thông tin và việc nộp thuế của tổ chức, cá nhân, đảm bảo thu đúng, thu đủ. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng làm rõ một số điểm trong báo cáo quyết toán

Như vậy, liên quan đến báo cáo quyết toán ngân sách năm 2013, đa số đại biểu tán thành, đồng thời phân tích, đánh giá thêm những điểm còn tồn tại và có kiến nghị cụ thể. Về thu, các ĐB đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ và các ngành liên quan trong việc đề ra các giải pháp, tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm chống thất thu thuế, trốn thuế, gian lận thuế. Về chi ngân sách, nhiều ĐB nhận định, dù bội chi tăng chủ yếu do trả nợ và tăng chi xây dựng cơ bản, song cần được xem xét kỹ để đảm bảo tính nghiêm minh của kỷ cương ngân sách…