Xăng dầu giảm 9 lần, giá hàng hóa vẫn đứng yên: Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng bức xúc!

ANTĐ - 11h hôm qua (7-11), giá xăng trên cả nước tiếp tục được điều chỉnh giảm mạnh, đến 950 đồng/lít xăng. Xăng dầu đã giảm giá 9 lần liên tiếp nhưng cước vận tải và giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ vẫn giữ nguyên khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Xăng dầu giảm 9 lần, giá hàng hóa vẫn đứng yên: Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng bức xúc! ảnh 1Cần điều chỉnh giá hàng hóa dịch vụ thiết yếu để kích cầu tiêu dùng

Vẫn đang... “xem xét”

 

Tính đến thời điểm này, giá xăng đã giảm tổng thể 4.250 đồng/lít. Giá dầu cũng giảm mạnh. Theo thông tin từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), từ 11h ngày 7-11, giá xăng RON 92 ở vùng 1 có giá mới là 21.390 đồng/lít; xăng RON 95 là 21.990 đồng/lít; Dầu Diezel 0,05S là 19.240 đồng/lít; Dầu Diezel 0,25S là 19.190 đồng/lít… So với tháng 7-2014, khi giá xăng ở mức đỉnh điểm 25.640 đồng/lít thì giá bán hiện tại đã giảm gần 16,6%. 

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ chiều 7-11, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho biết: “Sau 9 lần giảm giá xăng dầu, hiện nay, các doanh nghiệp vận tải đang xem xét giảm giá cước tương ứng để đảm bảo quyền lợi khách hàng. Tuy nhiên, giảm bao nhiêu thì họ còn phải tính toán, cân nhắc và phải có độ trễ, không thể xăng dầu giảm giá là cước vận tải giảm ngay được”. Nhưng “độ trễ” mà các doanh nghiệp vận tải muốn là đến bao giờ? Bởi sau 6 lần giá xăng dầu giảm liên tiếp vừa qua, các doanh nghiệp vận tải Việt Nam vẫn “nhất quán” cho rằng, cần có “độ trễ” và do xăng dầu giảm giá nhỏ giọt nên chưa thể điều chỉnh cước vận tải.

Trước đó, tháng 9-2014, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay, Bộ GTVT đã làm việc với Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam và các Hiệp hội vận tải 3 miền để đàm phán giảm giá cước vận tải cho phù hợp. Trong tháng 10-2014, nếu giá xăng dầu giữ ổn định thì chắc chắn cước vận tải sẽ phải giảm. Tuy nhiên, hiện tại đã là tháng 11-2014, xăng dầu giảm giá 9 lần liên tiếp, xu hướng giảm giá mặt hàng này cũng thường xuyên được cập nhật nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn đang “xem xét” là không thể chấp nhận được.

Xử lý trung gian tăng giá bất hợp lý

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại sao giá xăng dầu trong nước giảm nhiều lần liên tiếp mà nhiều loại hàng hóa, dịch vụ vẫn giữ giá, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “Là người dân, tôi cũng rất bức xúc khi giá xăng dầu giảm mạnh mà giá thực phẩm vẫn đứng yên. Tôi đi mua bánh mì, người bán cũng bảo tăng giá tại giá xăng dầu”. Trao đổi với báo chí, ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, giá xăng chỉ chiếm 0,17% trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Vì vậy, việc tăng, giảm giá xăng dầu không ảnh hưởng nhiều đến giá cả hàng hoá, dịch vụ chủ yếu được quyết định bởi nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong 10 tháng qua, CPI tăng thấp, tổng cầu yếu. Điều này chứng tỏ việc vin cớ xăng dầu để tăng giá từ mớ rau, con cá, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu là hành động “té nước theo mưa” của các đầu mối trung gian.

Bình luận về việc giá dịch vụ hàng hóa vẫn “ìm lìm” trước diễn biến của giá xăng dầu, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho hay, người dân luôn phải chịu thiệt thòi. Theo ông Vũ Vinh Phú, các doanh nghiệp vận tải cần thời gian để tính toán, cân nhắc và căn chỉnh đồng hồ tính tiền, ít nhất cũng mất 10-15 ngày. Tiểu thương lại chờ đợi cước vận tải giảm mới tiếp tục “xem xét”, dẫn đến hàng hóa tại chợ mất thêm từng đó thời gian để điều chỉnh. “Trong khoảng thời gian 20-30 ngày của “độ trễ”, nếu giá xăng dầu không biến động tăng thì giá hàng tiêu dùng thiết yếu mới có cơ hội giảm. Ngược lại, nếu giá xăng dầu chỉ cần tăng nhẹ thôi, thì hàng hóa không thể giảm giá”- ôn Vũ Vinh Phú phân tích. Vì thế, theo vị chuyên gia này, các cơ quan quản lý cần vào cuộc để kiểm tra khâu nào tăng giá bất hợp lý để xử lý ngay, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu nhằm hỗ trợ sức mua của người dân trong bối cảnh tổng cầu yếu như hiện nay.