Vụ sập hầm thủy điện tại Lâm Đồng: Phó Thủ tướng có mặt tại hiện trường cứu hộ

ANTĐ - Ngày 18-12, trong khi công tác cứu hộ, cứu nạn 12 nạn nhân bị mắc kẹt vẫn được tiến hành khẩn trương thì tình hình trong hầm thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo đã có diễn biến khác. Mặc dù nước đã rút 30cm, nhưng các nạn nhân cho biết đang bị lạnh. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp vào hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ.

Vụ sập hầm thủy điện tại Lâm Đồng: Phó Thủ tướng có mặt tại hiện trường cứu hộ ảnh 1Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo công tác cứu hộ

Chiều 18-12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có mặt tại hiện trường vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng- Đa Chomo làm 12 người mắc kẹt. Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ huy cứu nạn và qua trực tiếp thị sát, kiểm tra các phương án cứu nạn cứu hộ, Phó Thủ tướng cho biết, tiến độ công tác cứu hộ khi đã qua gần 3 ngày, trong đó phương án đào hầm cứu hộ mới chỉ thực hiện được hơn 5m, đoạn còn lại khoảng 24m sẽ cần mất thêm 3 ngày nữa là quá lâu. Phó Thủ tướng đã vào thị sát đường hầm, đến tận vị trí hầm bị sập và trực tiếp liên lạc, trao đổi, thăm hỏi các công nhân bị nạn. Phó Thủ tướng cho biết, anh em công nhân mắc kẹt tinh thần, sức khỏe ổn định, nhưng đang bị lạnh. Phó Thủ tướng đã động viên các công nhân tiếp tục bình tĩnh, giữ vững tinh thần trong thời gian công tác cứu hộ được triển khai hết sức khẩn trương.

Phó Thủ tướng lưu ý, việc khoan và dùng thuốc nổ phải hết sức thận trọng, bởi nếu để đường hầm bị sập thì các đường ống thoát nước, tiếp  oxy, sữa và thức ăn cho nạn nhân sẽ bị vùi lấp. Vì vậy các lực lượng phải phối hợp rất nhịp nhàng. Riêng đối với đầu đường hầm ở phía sau hạ lưu, Phó Thủ tướng cho biết: “Còn một phương án nữa từ phía hạ lưu đã giao cho Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Xây dựng, Công ty Sông Đà, lực lượng Công binh nghiên cứu tiếp. Mặc dù đây là hướng có địa chất rất yếu, khó khăn hơn và còn 60m nữa mới thông được hầm, nhưng chúng ta vẫn phải chuẩn bị tất cả các giải pháp. Hiện, chúng ta đang đi theo 3 tuyến để tiếp cận với các nạn nhân và hy vọng rằng tốc độ tiếp cận sẽ được đẩy lên nhanh hơn”. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng giao lực lượng y tế chịu trách nhiệm đảm bảo sức khỏe cho nhóm công nhân bị nạn ở thời điểm hiện tại cũng như sau khi được giải cứu. 

Một lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho hay, việc cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn so với những tính toán đưa ra do địa chất ở ngọn đồi quá phức tạp. Lực lượng cứu hộ luôn luôn gặp đá, phải mở hướng khác. Dư chấn cũng thường rình rập, nếu chấn động mạnh có thể gây sập tiếp. Vì vậy lực lượng cứu hộ không thể đưa phương tiện lớn vào hầm mà phải làm thủ công.

Trong khi đó, mọi cố gắng và hy vọng đang dồn vào mũi khoan từ trên đỉnh hầm xuống. Đây là mũi khoan cọc nhồi, công suất lớn, có đường kính rộng 10cm. Đến cuối ngày 18-12 đã khoan được 40m/68m, nếu khoan thủng mũi khoan này sẽ giúp đưa quần áo, chăn màn xuống cho 12 nạn nhân tránh rét, đồng thời việc liên lạc cũng sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khoảng 17h cùng ngày, mũi khoan này đã vấp phải đá và bị gãy, lực lượng cứu hộ đã phải bỏ lại mũi khoan trong lòng đất và dời đến vị trí khác. 

Thành công của lực lượng cứu hộ đến thời điểm này là đã bơm được nước trong hầm ra ngoài. Hiện có 2 máy bơm, với 2 vòi nước hoạt động liên tục. Nước không còn là vấn đề quá lo ngại với các nạn nhân.