Việt Nam - Belarus: Chân thành, tin cậy lẫn nhau

ANTĐ - Chiều tối qua 26-11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Cộng hòa Belarus Alexander Lukashenko.

Việt Nam - Belarus: Chân thành, tin cậy lẫn nhau ảnh 1Tổng thống Cộng hòa Belarus A. Lukashenko đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong bầu không khí hữu nghị, chân thành và tin cậy lẫn nhau, lãnh đạo hai nước đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước; thỏa thuận các biện pháp lớn nhằm đẩy mạnh toàn diện quan hệ Việt Nam – Belarus trong thời gian tới; trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm. 

Với tư cách là một thành viên trong Liên minh Hải quan, Belarus cam kết đẩy nhanh việc kết thúc đàm phán và sớm ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với liên minh này. Đồng thời, Belarus sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam có mặt nhiều hơn trên thị trường Belarus, đặc biệt là hàng nông, thủy hải sản, đồ gỗ, hàng dệt may, cà phê..., nhằm khắc phục tình trạng nhập siêu của Việt Nam từ Belarus. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống A.Lukashenko đánh giá cao hiệu quả của hợp tác quốc phòng giữa hai nước trong thời gian qua; phía Belarus cam kết tiếp tục cấp các suất đào tạo ưu đãi cho quân nhân Việt Nam. 

Lãnh đạo hai nước thống nhất đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch, đấu tranh chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia; cùng nhau nỗ lực thực hiện hiệu quả Hiệp định liên chính phủ và các thỏa thuận đã ký…  

Tại buổi hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị phía Belarus tiếp tục giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người Việt Nam, khuyến khích người Việt đầu tư vào kinh tế Belarus để xây dựng cộng đồng vững mạnh và hòa nhập sâu hơn vào xã hội sở tại, góp phần thúc đẩy kinh tế của Belarus và củng cố tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Về tình hình Biển Đông, hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây; mong muốn các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm đảm bảo hòa bình an ninh và an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.