Vì sao giá điện cứ tăng mãi?

ANTĐ - Cũng hiếm có trường hợp nào mà bất kỳ một kỳ họp nào Quốc hội cũng chất vấn như trường hợp Bộ trưởng Bộ Công thương. Và cũng như mọi kỳ họp, ông Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng không thể thỏa mãn những chất vấn của Quốc hội cũng như hầu hết những cử tri theo dõi buổi chất vấn. Không chỉ vấn đề nhói lòng hiện tại là vấn đề tiêu thụ nông sản với ý kiến một yến hành tím đặc sản Sóc Trăng không đổi được bát phở bình dân, vấn đề mà Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khó trả lời nhất chính là giá, giá của các mặt hàng Chính phủ đang quản lý: Đó là điện, là xăng, là than…

Dĩ nhiên là Bộ Công thương đã cùng các Bộ liên quan điều hành giá các mặt hàng quan yếu nhất theo đúng chủ trương chính sách, tuân thủ pháp luật…vân vân và vân vân… Cụ thể như giá điện, mãi 9 tháng mới tăng giá 7,5% và cho đến bây giờ ngành điện mới bắt đầu có lãi. Giá xăng thì cứ căn cứ theo giá thị trường thế giới lên xuống mà điều chỉnh, chỉ điều tiết đôi chút  bằng một vài loại quỹ mà thôi… Nhưng vấn đề căn bản nhất là tại sao giá điện cứ tăng mãi và làm sao để có một thị trường điện cạnh tranh thì vấn đề lại dừng lại ở …hứa. Những năm tới ai muốn mua điện ở đâu thì mua, nhưng nếu chỉ có một EVN có điện bán, không mua của họ thì mua ở đâu? Và nếu thích mua ở một nơi nào đó thì đường dây ở đâu để tải điện về, khi chỉ có EVN có hệ thống tải điện?

Câu chuyện thị trường điện cạnh tranh nói mãi, nói lâu rồi nhưng hạ tầng cho một thị trường không thấy, lấy đâu ra cạnh tranh. Giá xăng cũng vậy, có đủ các nghị định, các thông tư, quyết định…Tất cả đều chuẩn mực. Chỉ có một thứ rất khó giải thích: Giá dầu thô giảm tới 50%, dĩ nhiên giá xăng, nhất là giá xăng sản xuất nội địa bởi các khu lọc dầu của chúng ta, cũng sẽ giảm gần tương ứng như vậy. Nhưng hiện tại, giá xăng chỉ giảm so với lúc giá dầu thô cao nhất khoảng hơn 20%, trong lúc đã giảm thuế nhập khẩu. Vậy là sao?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng khẳng định điện và xăng dầu là hàng hóa đặc biệt liên quan đến đời sống kinh tế, xã hội và người dân, nên bất cứ biến động nào cũng đều có tác động đến người dân. Trong thời gian qua, Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã nghiên cứu, tính toán cẩn trọng để có thể vừa đáp ứng yêu cầu tăng giá điện, xăng dầu theo đúng lộ trình, không bù giá, nhưng mặt khác giảm thiểu mức tối đa tác động ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân, nhất là dân nghèo, nông dân, người có thu nhập thấp.

Đúng là như vậy, có thể trong việc tăng giá điện, xăng dầu, những vấn đề an sinh xã hội đã được tính đến, nhưng còn tác động của nó đến nền kinh tế thì có vẻ như mọi phép tính đều không cho những kết quả thỏa đáng. Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang)  đề nghị Bộ Công thương đề ra giải pháp để giải quyết vấn đề giá vật tư sản xuất nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng bởi giá điện, giá xăng dầu tăng cao, làm cho đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng, thu nhập của người dân suy giảm trong khi đầu ra của sản phẩm nông nghiệp bị nhiều tầng nấc thương lái ép giá. Nếu 70% dân số nước ta là nông dân không có thu nhập, sức cầu nội địa suy giảm, làm sao có thể phát triển một nền kinh tế lành mạnh?