Tuổi trẻ và Tổ quốc

ANTĐ - Đã có những lúc, đã có những suy nghĩ, đã có những so sánh tuổi trẻ hiện nay với tuổi trẻ của thế hệ cầm súng đi đánh giặc. Rằng tuổi trẻ bây giờ ngày càng thờ ơ, vô cảm trước thời cuộc. Họ mải miết với những đòi hỏi của cá nhân họ, họ thực dụng với những mục đích riêng của họ, họ ham thích những thứ vật chất tầm thường, họ vùi mình với cuộc sống ảo với những giá trị phù phiếm,họ... 

Khái niệm tình yêu lớn, tình yêu với Tổ quốc đang bị phai nhạt đi trong họ… Điều đó có không? Có! Nhưng không phải là tất cả. Chúng ta đã được chứng kiến, sức mạnh tình yêu Tổ quốc trước vận mệnh của đất nước, mỗi khi đất nước trải qua thử thách, chúng ta chứng kiến trách nhiệm của tuổi trẻ mỗi khi Tổ quốc cần đến họ. Quan điểm của về người trẻ ngày nay trên An ninh Thủ đô cuối tuần đã cho thấy tuổi trẻ và tình yêu Tổ quốc thì thời nào cũng vậy. Tình yêu Tổ quốc, trách nhiệm với Tổ quốc là thứ tình yêu bản năng có từ trong máu thịt. 

Tuổi trẻ và Tổ quốc ảnh 1Ảnh: Internet

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Phải tin ở tuổi trẻ 

Tuổi trẻ và Tổ quốc ảnh 2

Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng? 

Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông…

(Những dòng sông - Bế Kiến Quốc)

Tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh: Cánh rừng, nơi không tới. Cuốn tiểu thuyết này dựa trên nhiều trải nhiệm của thế hệ chúng tôi trong cuộc chiến chống Mỹ, rọi chiếu bởi hơn 30 năm hòa bình khi tôi ra thế giới. Ở cuốn sách chiến tranh tôi đã viết đề từ: Tôi viết cuốn sách này tặng con trai Huy Văn, để sau này con hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi... Mong ước con trai độc nhất của tôi sẽ suy nghĩ để nhận thức trách nhiệm và quyền lợi với Tổ quốc, gia đình, con người ra sao, biết giá trị của đời sống, qua chính cha nó, người đã từng mơ ước, từng khao khát và từng 11 năm chiến đấu vì Tổ quốc. Tôi nghĩ, không phải chỉ riêng tôi lo lắng cho con cái, cho thế hệ sau này, vì trước sau, chúng ta đều tuân theo quy luật của tạo hóa: sinh bệnh lão tử. Đất nước sẽ là của chúng, nhà tôi sẽ thuộc về chúng và cả tình yêu con người, quê hương xứ sở lớn lao của con người Việt cần hun đúc như thế nào... cũng sẽ tự thuộc về chúng.

Thế hệ của chúng tôi sinh ra rất thiệt thòi, chúng tôi đã gác bỏ mọi khao khát và ước vọng cá nhân, 17 tuổi tôi và bè bạn cùng học phải buộc cầm súng thay vì cầm bút hay cầm cầy, cầm búa lao động, yêu và thụ hưởng khi được sinh ra trên hành tinh này. Cuộc chiến chúng tôi tham gia dài hơn cả đại chiến I và II cộng lại. 

Nhưng tôi chưa khi nào ân hận vì mình đã quyết sống và chết cho đất nước một thời cùng nhân dân miền Bắc, khi người Mỹ đánh vào làm tổn thương niềm tự ái của dân tộc, Tổng thống Mỹ khi ấy hạ lệnh ném bom miền Bắc, binh sĩ của họ nện 60 vạn gót giầy trên toàn miền Nam và, tuyên bố: Đánh cho miền Bắc Việt Nam quay lại thời đồ đá. Khi ấy, hỏi ý kiến cha tôi, trước một bên là hai giấy gọi đại học, một bên là lệnh tổng động viên, một họa sĩ Đông Dương, khóa Ba, lắm thăng trầm hai chế độ, đã không ngại ngần lập tức trao cho đất nước người con trai yêu nhất của ông. Ông bảo tôi: Con nên ra trận. Tôi ra đi, biết rằng, có thể hy sinh bất cứ khi nào triền miên bao chiến dịch lớn, khá nhiều máu với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc và hành lí có câu dặn: thân tráng sĩ xá chi da ngựa.

Vâng, là con người trẻ, trước hết phải vì đất nước khi Tổ quốc lâm nguy. Phải biết yêu điều lớn nhất và làm giàu cuộc sống có lý tưởng của sự trẻ. Chúng tôi đã nối dài một truyền thống của dân tộc: Thích chữ sát thát trên cánh tay trần của mình, khi ngoại bang xúc phạm tổ tiên, đất nước và cùng cha anh không để bị nhục.

Cuộc chiến khủng khiếp trôi qua thế hệ tôi, hàng triệu người đã mãi mãi không trở về khi tôi may mắn sống sót tới trận cuối cùng vào Sài Gòn để chấm dứt chiến tranh, giữ gìn thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Mẹ tôi đói, mất trong chiến tranh. Tôi trở về xơ xác về sức khỏe, ở với người cha đã già, về hưu chia sẻ với con trai điếu thuốc cắt ra làm đôi, cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Bởi niềm vui lớn nhất là ông vẫn còn tôi khi ông sững người nhìn tôi hiện ra ở giữa nhà, mắt nhòa lệ gọi: Thọ ơi, con đấy à? Có phải con không?

Cuộc chiến đã để lại một vết thương rất sâu và rất lớn cho đất nước, trên cả hai miền và gia đình tôi cũng như vạn vạn gia đình ở Hà Nội bấy giờ rất khó khăn sau chiến tranh. Tất cả bề bộn và đói nghèo vẫn từng bước đi lên tới ngày hôm nay. 

Ngày hôm nay mỗi khi nhớ lại, nhìn thành phố Hà Nội đã thay đổi từng ngày, ngắm lại từng vết thương trên cầu Long Biên, con cầu mà chúng tôi đã đấu tranh để chính Thủ tướng ra lệnh giữ lại Long Biên cho con cháu sau này, tôi rất xúc động. Thế hệ chúng tôi đã vượt qua một chặng rất dài, đầy tinh thần chiến đấu cho đất nước, nhưng cũng nhiều khuyết điểm, thậm chí nhiều lúc ấu trĩ. Nhưng nhờ hòa bình đang hiện diện, chúng tôi an vui khi con cái, cháu chắt trong gia đình lớn của cha mẹ tôi đã được yên hàn và không khó khăn như cuộc sống trong chiến cuộc. Để được ngày hôm nay chúng ta đã cùng nhau dắt tay nhau qua nhiều chặng đường gập ghềnh trong xây dựng và kiến tạo... Có những lúc từng thế hệ cũng nhận thức ấu trĩ và phải từ tốn chia sẻ cho nhau nghe nhằm minh tĩnh trên con đường của nhận thức, khi xác lập nhận thức là cần cả một quá trình.

Hai cha con tôi dẫn nhau lên Hồ Tây, nơi mà xưa cha tôi đã dẫn tôi lên đó vài lần, khi tôi còn là một thanh niên 16 tuổi. Tôi nói với con gái mình: Như xưa kia, ông đã dẫn bố về làng, đưa bố lên đây, để nhìn Hồ Tây bao la, để nghe rõ tiếng khua nước của mái chèo và cả những âm thanh từ tiếng gõ mạn thuyền lùa cá vỡ òa ra trong sương lãng đãng còn đang mờ dăng trong nắng sớm, để mà yêu thêm mảnh đất Tây Hồ này. Nhờ thế bố đã không tiếc mình khi người Mỹ đã ném bom xuống thành phố này và cũng nhờ thế, những người lính trung đoàn cao xạ 220 của bố dù đã hy sinh khá nhiều, ngay cả ở những tháp pháo giữa Tây Hồ và Trúc Bạch, nhằm bảo vệ thành phố, những hàng cây xanh bên kia, thi sĩ Phạm Tiến Duật đã gọi là Những hàng cây tình tự. Tôi chỉ đường Thanh Niên đầy những cặp trai thanh gái trẻ đang đi lại...

Cho tới hôm nay con gái tôi không phải nổi tiếng ở tài năng văn chương nghệ thuật, nó cũng không phải là đại gia nhiều tiền, nhưng tôi luôn tự hào rằng, ai cũng nói cháu rất nhân hậu, là người tử tế với tập thể, với bè bạn, với gia đình và họ hàng... Cháu cũng đóng góp ít nhiều thành công vào việc giao lưu và phát triển văn hóa trong nước.

Từ một người lính trở về, cố gắng đi học để nhận thức rồi công tác ngành kinh doanh và phiêu bạt rồi vô tình trở thành nhà văn. Tôi rất ý thức được việc chúng tôi trước sau rất sẵn sàng sẽ biến mất khỏi cõi nhân gian này và còn lại là thế hệ con cháu chúng ta. Chúng, thế hệ trẻ ấy sẽ là chủ nhân của thành phố, đất nước này và xây dựng nó cho To đẹp và đàng hoàng hơn. Về vật thể và phi vật thể, rõ ràng Hà Nội bây giờ rộng lớn và to đẹp hơn rất nhiều, sự giao lưu ở thế giới phẳng hòa nhập đã có điều kiện và phương tiện hơn thời chúng tôi cũng rất nhiều. Hãy bay lên cao, nhiều khu phố mới, tòa nhà mới và đầy các phương tiện hiện đại trong Hà Nội, khác rất nhiều như mơ khi so với Hà Nội 36 phố vẻn vẹn hôm xưa, ngày chúng tôi đang cắp sách tới trường. Dẫu Hà Nội còn khá nhiều bất cập so với mong ước, khi đặt nó ở sự phát triển trong khu vực và tiềm lực của người Việt, nhưng không thể không thấy, phủ nhận, rằng, Hà Nội đã khác xưa rất nhiều, từ khi chúng ta quyết định chọn một con đường đổi mới.

Được như thế là có sự đóng góp rất lớn lao của biết bao trí thức, công nhân, nhà doanh nghiệp tuổi thế hệ con gái tôi: Tuổi trẻ. 

Thành phố không phải xây dựng với con người thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm với con người. Nó phải từ Tình Yêu Đất Nước. Những giá trị ấy có được chính nhờ ở cuộc sống ổn định và thanh bình bao năm qua. Giá trị của hòa bình to lớn biết chừng nào nếu ta bình tĩnh nhìn lại thế hệ chúng tôi, những kẻ đã trải qua bao nhiêu năm tháng trong cuộc chiến đằng đẵng, mất mát đau thương và đói khổ nhọc nhằn trong sự rình rập triền miên của cái chết, của cả sự bảo thủ, trì trệ và ấu trĩ.

Như thế, thì đất nước phát triển, ổn định, hòa bình cái gốc rất quan trọng trọng đời sống của một con người, đặc biệt là tuổi trẻ, là cơ hội vô cùng may mắn trên hiện tình của đất nước ta hôm nay. Có cái gốc này, tức là có điều quan trọng nhất để tuổi trẻ vươn lên thực hiện ước mơ khát vọng tử tế, tốt đẹp của mình. Đó cũng là điều cần thiết, tối quan trọng cho sự đi lên của đất nước. 

Tương lai không còn trên tay thế hệ chúng tôi nữa. Nó là của tuổi trẻ và phải tin ở tuổi trẻ, mạnh dạn giao trách nhiệm cho họ trong quản lí và điều hành đất nước.

Mặt nào đó, từ trải nghiệm thấu suốt của chúng tôi, cũng mong rằng tuổi trẻ đều thừa nhiệt huyết nhưng cũng rất dễ cả tin và cực đoan. Tôi ngẫm rằng, sự dân chủ ở thông tin toàn cầu cũng là một thách thức lớn ở khả năng xử lý thông tin của lớp trẻ. Kinh nghiệm của tôi là, như việc nghiên cứu một trận đánh, phải có sự kiểm chứng và thái độ rất thận trọng dò dẫm quan sát từng mét hàng rào gai, từng milimét vuông đất để tránh đi những cạm bẫy, những “trái mìn” của những cừu thù đang giăng bẫy. 

Mỗi người, cá thể là một hạt cát, có trách nghiệm ở từng “viên gạch”, đều yêu thương thực sự đất nước này, coi trọng Tổ quốc và gia đình thực sự từ trái tim mình, với sự tiếp thu trí thức tiến bộ hôm nay của thế giới mà vẫn không đánh mất khuôn mặt văn hóa Việt, nhất định thế hệ trẻ sẽ xây dựng được cơ đồ non sông gấm vóc này, Ngôi đền lớn, bảo vệ phát triển thành một quốc gia giầu mạnh chẳng tủi hờn với tiền nhân, cha ông qua bốn nghìn năm đã đổ bao công sức, cả máu cho giải đất hình chữ S thương yêu này...

Hãy làm tốt nhiệm vụ của mình, cũng là yêu Tổ quốc

Tuổi trẻ và Tổ quốc ảnh 3

Với những thế hệ trước, tình yêu Tổ quốc của tuổi trẻ đã được chứng minh rất rõ với rất nhiều những tấm gương chiến đấu, hy sinh trong các cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, đất nước đã hòa bình nhưng trách nhiệm đặt lên vai thanh niên với nhiệm vụ xây dựng đất nước không hề giảm, nhưng nó khác rất nhiều so với thời chiến. Tôi nghĩ mỗi người trẻ, trước tiên hãy trau dồi học hỏi, làm tốt nhiệm vụ của mình… đó cũng chính là một phần trách nhiệm, sự cống hiến cho Tổ quốc. Bên cạnh đó phải có một nhận thức, tư tưởng tốt, đủ để hành động đúng đắn, bởi người trẻ đang đứng trước rất nhiều thử thách của các âm mưu diễn biến hòa bình. 

Có thể khẳng định đại bộ phận thanh niên là những người có trách nhiệm với Tổ quốc, họ rất nhiệt huyết, không chỉ ở các phong trào bề nổi mà cả trong lao động, học tập. Nhưng bên cạnh đó vẫn có một bộ phận thanh niên có lối sống thực dụng, buông thả, ý thức chấp hành pháp luật kém. Với tổ chức Đoàn, có thể nhận thấy một hạn chế là trước đây hoạt động Đoàn chủ yếu ưu tiên trong tập hợp các tầng lớp thanh niên ưu tú mà chưa “đến gần” được những thanh niên chậm tiến. Hiện tại và thời gian tới, chúng tôi đặt mục tiêu thu hút những đối tượng thanh niên này vào tổ chức Đoàn, hội bằng nhiều hình thức linh hoạt như các phong trào, chương trình đã và đang thực hiện: “Khi Tổ quốc cần”, “Tôi yêu Hà Nội”, “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, “Khi tôi 18”… Những hoạt động này góp phần tạo cho các bạn môi trường giao lưu, chia sẻ giúp họ tự tin vượt qua mặc cảm, rào cản tâm lý để hòa nhập cộng đồng, sống có ý thức, trách nhiệm và lý tưởng.

Anh Nguyễn Văn Thắng (Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, Phó Bí Thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội)

Tuổi trẻ thời kỳ nào cũng đầy nhiệt huyết

Tuổi trẻ và Tổ quốc ảnh 4

Ngày nay trong thời đại “số hóa”, cuộc sống đang đổi thay từng ngày, có thể ai đó còn đang mải miết tìm kiếm cho mình một hạnh phúc riêng mà thờ ơ trách nhiệm của bản thân với xã hội và lãng quên công lao của những người đã hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc, nhưng theo tôi đó chỉ là số ít và cũng chỉ xảy ra ở một thời khắc nào đó mà thôi. Chúng ta vẫn có biết bao trí thức trẻ trong chiến dịch mùa hè xanh, với những bước chân tình nguyện mang ánh sáng tri thức văn hóa đến những nơi vùng sâu vùng xa và biết bao những bước chân âm thầm trong đêm giá rét đang canh giữ nơi biên giới, hải đảo xa xôi để giữ bình yên cho Tổ quốc. Và, đã xuất hiện rất nhiều những tấm gương hy sinh quên mình để cứu dân trong hỏa hoạn, bão lũ hay trong những cuộc đấu trí âm thầm chống lại bọn tội phạm giữ bình yên cho cuộc sống… Tất cả những điều đó đã chứng minh rằng, tuổi trẻ Việt Nam qua các thời kỳ, dù trong chiến tranh hay trong hòa bình, thì bầu nhiệt huyết sục sôi trong trái tim của họ vẫn luôn hừng hực tuổi xuân và rực cháy mãi không nguôi. 

Và, một điều chúng ta phải công nhận rằng, mỗi thời kỳ lịch sử đều có những hoàn cảnh riêng. Chính vì vậy, chúng ta không thể áp đặt hoàn toàn giống 100% cái công thức “lý tưởng, sự nghiệp và tình yêu” của tuổi trẻ thời chiến cho giới trẻ ngày hôm nay được. Nhưng điều cơ bản, cốt lõi nhất thì không thể ai phủ nhận. Với tôi, trách nhiệm với Tổ quốc nghĩa là mỗi bạn trẻ chúng ta hãy sống, học tập, làm việc và yêu đúng với trách nhiệm của một thanh niên đối với Tổ quốc mình.

Ca sĩ Nhật Thủy

Đừng lãng phí tuổi trẻ của mình

Một điểm rất khác của tôi với các bạn sinh viên trong trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đó là tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình rất nghèo ở vùng quê đặc biệt khó khăn. Tôi tốt nghiệp với bao chọn lựa ngổn ngang, rồi lại chứng kiến mỗi năm có biết bao trí thức trẻ trong chiến dịch mùa hè xanh, với những bước chân tình nguyện mang tri thức - văn hóa đến những nơi vùng sâu vùng xa; và có biết bao những bước chân âm thầm vẫn đêm ngày canh giữ nơi biên giới, hải đảo xa xôi để giữ bình yên cho Tổ quốc - vậy là tôi quyết định quay trở về quê hương, góp chút sức lực bé nhỏ của mình để xây dựng chính miền đất nơi dung dưỡng mình. Khi nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch xã Hoàng Thu Phố, tôi đã lập Đề án “Xây dựng đường liên gia, ngõ xóm cho nhân dân xã Hoàng Thu Phố”; tham mưu, thiết kế và vận động nhân dân đào 2,5 km nền đường liên gia, ngõ xóm; đổ bê tông hơn 2.000m đường liên gia của thôn Sỉn Chồ và Nhù Sang; hoàn thành 200 nhà vệ sinh và 220 chuồng nuôi gia súc... Trong suy nghĩ của tôi, người trẻ với sức trẻ dồi dào, phải năng động, sáng tạo, lòng nhiệt tình cống hiến phù hợp với sức lực vì cộng đồng, xã hội. Đừng lãng phí tuổi trẻ của mình, đừng để tuổi trẻ trôi qua một cách vô ích. Là một người trẻ tôi hiểu rằng, Tổ quốc luôn luôn cần chúng tôi.

TRÁNG SEO PAO, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014

Trách nhiệm với Tổ quốc là đừng biến mình thành gánh nặng cho người khác

Chắc có nhiều người nghĩ trách nhiệm với Tổ quốc là gì đó to lớn lắm, nhưng tôi thì nghĩ đơn giản thôi. Trách nhiệm với Tổ quốc trước tiên là sống có trách nhiệm với chính bản thân mình, sống tốt cho bản thân, cho mọi người xung quanh, không là gánh nặng cho ai thì cũng đã là có trách nhiệm với Tổ quốc rồi. Bản thân tôi gia đình rất nghèo, tôi vào đại học luôn cố gắng không chỉ đảm bảo việc học trên lớp mà còn phải làm thêm để tự lo tiền học phí cho mình và dần dà tham gia vào các hoạt động từ thiện nữa. Khi phát hiện mình bị bệnh ung thư tủy, mới đầu tôi cũng sợ và có ý định buông xuôi lắm, nhưng rồi tôi đã phải tự vực lại tinh thần cho mình, còn sống ngày nào thì phải sống tốt cho mình. Tôi cũng như những bạn trẻ làm từ thiện khác, khi bắt đầu chắc chắn không ai nghĩ đến điều gì lớn lao như trách nhiệm với Tổ quốc, mà đơn giản là chúng tôi cảm thấy hạnh phúc, hạnh phúc khi những người khó khăn hơn mình có thêm hơi ấm, và chính niềm vui của họ là động lực để chúng tôi sống tốt hơn. Khi mình làm những điều tốt thì xung quanh mình chắc chắn sẽ có nhiều người tốt, không biết tôi có lạc quan quá hay không nhưng cá nhân tôi thấy mình thật may mắn vì xung quanh mình toàn người tốt. Những người trẻ ích kỷ, vô cảm thực sự tôi rất ít gặp, mà nếu có đọc được trên sách báo, trên mạng xã hội, tôi cũng luôn nghĩ chắc họ phải có lý do nào đấy.

Nguyễn Bảo Ngọc (Sinh viên trường Cao đẳng Truyền hình)

Tổ quốc trong tim tôi 

Tôi đã đọc được ở đâu đó người ta viết rằng: Tình yêu Tổ quốc không bao giờ có tuổi. Những người trẻ chúng tôi được sinh ra, lớn lên và trưởng thành khi Tổ quốc đã lùi xa những ngày bom đạn, chúng tôi được sống trong hòa bình, được thụ hưởng những giá trị mà ông cha phải hy sinh bằng máu, nước mắt và sự mất mát để lại cũng thể hiện tình yêu, trách nhiệm của bản thân với Tổ quốc theo cách riêng của mình, nhưng không dễ. Tại sao? Vào một dịp Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát đi phong trào có tên gọi “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, nhà sử học Dương Trung Quốc đã chia sẻ rằng mệnh đề “Tôi yêu Tổ quốc tôi” nghe đơn giản tựa như hơi thở nhưng để chúng ta hành động trong cuộc sống hàng ngày không hề đơn giản. Bởi lòng yêu nước chính là giá trị cốt lõi của sự phát triển và phải được trao quyền qua các thế hệ. Ông nói đúng. Không hề đơn giản. 

Nhà bác học người Pháp Louis Pasteur đã từng đưa ra quan điểm rằng: “Học vấn không có quê hương nhưng người học phải có Tổ quốc”. Tổ quốc là giá trị bất biến. Và chúng tôi, thế hệ Thanh niên Việt Nam cần phải trang bị cho mình nhiều phẩm chất tốt đẹp để sống có ích, có ý nghĩa, mà trong đó và trước hết là phải biết yêu chính Tổ quốc mình. Vậy bằng cách nào để thể hiện tình yêu ấy? Hãy bắt đầu bằng câu hỏi: Ngày mai mình sẽ là ai trong đất nước này? Trong tương lai mình sẽ làm được gì cho Tổ quốc yêu thương? Khi trả lời được, tôi tin chúng ta biết mình cần phải làm gì. Bởi, có rất nhiều những bài học thể hiện tình tình yêu với Tổ quốc: đó là những con người ngày đêm âm thầm, lặng lẽ làm đẹp xã hội hàng ngày như những người lao công quét rác trên hè phố, họ làm việc không nghỉ ngơi, tiếp xúc với những gì người khác vứt đi. Là những tấm gương liệt sỹ trẻ ngã xuống nơi biên cương, hải đảo vì chủ quyền của Tổ quốc, vì độc lập của dân tộc. Là những chiến sỹ Công an Thủ đô máu vẫn chảy giữa thời bình khi chiến đấu với cái ác để đảm bảo an ninh trật tự, mang đến sự bình yên cho nhân dân… Tôi nghĩ tình yêu nước là những điều đơn giản mà bình dị. Tôi - một người trẻ - một chiến sỹ Công an Thủ đô thấu hiểu rằng hãy cống hiến bằng những công việc hàng ngày dẫu giản dị nhưng đầy khát vọng. Để mỗi sớm hôm đầu tháng mới, đứng dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc, chúng tôi tự hào hát những câu hát của trái tim mình bài hát Quốc ca. 

Thượng úy BÙI NHẬT QUANG, Bí thư Đoàn Thanh niên CATP Hà Nội