Tu bổ di tích: Không thể ngồi chờ tiền Nhà nước

ANTĐ - Ngày 1-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã có buổi làm việc với Sở VH-TT&DL Hà Nội xung quanh kết quả công tác văn hóa, thể thao và du lịch 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2015. 

Tu bổ di tích: Không thể ngồi chờ tiền Nhà nước ảnh 1Biển quảng cáo cỡ lớn choán hết không gian đô thị

Vi phạm quảng cáo: Xử lý chưa ráo riết

Một trong những vấn đề nóng được đưa ra tại buổi làm việc là chấn chỉnh sai phạm trong hoạt động quảng cáo. Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT&DL, vi phạm trong hoạt động quảng cáo vẫn còn nhức nhối. Trước Tết Nguyên đán, Thanh tra Sở VH-TT&DL Hà Nội đã làm việc với các quận, huyện đề nghị xử lý 27 bảng quảng cáo tấm lớn dựng không phép, không đúng quy hoạch trên địa bàn các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, huyện Sóc Sơn, Quốc Oai, Thường Tín…. Tuy nhiên, tới thời điểm này, các biển quảng cáo trên vẫn chưa được tháo dỡ. “Do lợi nhuận trong lĩnh vực quảng cáo quá cao, các doanh nghiệp tìm đủ mọi cách để lách luật. Cộng thêm sự thiếu đồng thuận của một số hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và sự thiếu thống nhất trong nội bộ các sở, ban ngành thành phố, dẫn đến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn” – ông Tô Văn Động cho biết.  

Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, để xảy ra những vi phạm liên quan đến hoạt động quảng cáo, không thể chỉ quy trách nhiệm cho doanh nghiệp. Các sở, ban ngành có liên quan cần làm rõ quy trình và thủ tục cấp giấy phép hoạt động quảng cáo, đồng thời, phải ráo riết kiểm tra, xỷ lý nghiêm vi phạm. Tiếp thu ý kiến của Bí thư Thành ủy, lãnh đạo Sở VH-TT&DL khẳng định, sẽ sớm xây dựng “Quy hoạch quảng cáo ngoài trời đến năm 2020, định hướng đến 2030” nhằm đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả, công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn. 

Tu bổ di tích: Không thể ngồi chờ tiền Nhà nước ảnh 2Nhiều đoạn Con đường gốm sứ - Công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội bị bong tróc, nứt vỡ 

Cùng ngồi chờ vốn

“Trăn trở 2 năm nay nhưng vẫn chưa bố trí được vốn tu bổ Khuê Văn Các”. Đó là câu chuyện được ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ. “Được coi là biểu tượng của Thủ đô nhưng sau nhiều năm sử dụng, công trình này đã có dấu hiệu xuống cấp. Tôi rất lo một ngày nào đó, công trình này sập xuống thì thật xót xa”. Với số lượng 5.175 di tích - đứng đầu trong cả nước, Hà Nội luôn gặp khó khăn trong việc phân bổ nguồn kinh phí trùng tu, tôn tạo di tích. Nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Đơn cử, một số công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội chỉ sau một vài năm sử dụng đã hư hỏng song không có kinh phí để sửa chữa. 

Theo đại diện Sở Kế hoạch – Đầu tư, năm 2015, thành phố dành kinh phí 116 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp cho các di tích đã quá xuống cấp, trong đó ưu tiên phân bổ đến các huyện. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu. “Nếu chỉ trông chờ ngân sách của Nhà nước thì không biết đến bao giờ các công trình mới được tu bổ” - Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết. Thực tế, những công trình được tu bổ, hoàn thiện nhanh chóng như Công viên Văn hóa Đống Đa đều nhờ việc huy động vốn xã hội hóa. Do đó, theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, việc thu hút vốn đầu tư xã hội hóa theo quy định là cần thiết, phù hợp với yêu cầu và thực tiễn tu bổ, trùng tu di tích tại Hà Nội. 

Sớm thành lập Sở Du lịch Hà Nội

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, đang xây dựng và sẽ sớm hoàn thiện đề án thành lập Sở Du lịch Hà Nội trên cơ sở tách chức năng quản lý về du lịch ra khỏi Sở VH-TT&DL. Các tiêu chí về tổ chức bộ máy, hoạt động… của Sở Du lịch sẽ dựa trên sự tham mưu, đóng góp ý kiến của Sở VH-TT&DL và các cơ quan có liên quan.