TS Trần Công Trục, Nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ: Hành động của Trung Quốc là phi pháp

ANTĐ - Đá Chữ Thập là một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa. Đá này nằm ở vị trí cách biệt với các thực thể khác của quần đảo, nằm về phía Tây Nam của bãi san hô Tizard (Tizard Bank) thuộc cụm Nam Yết và về phía Đông Bắc của cụm đảo Trường Sa. 
TS Trần Công Trục, Nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ: Hành động của Trung Quốc là phi pháp ảnh 1

Bãi đá này có chiều dài tính theo trục Đông Bắc - Tây Nam là 14 hải lí (25,93 km) và chiều rộng là 4 hải lí (7,4 km); tổng diện tích đạt 110 km². Trung Quốc đánh chiếm Đá Chữ Thập vào năm 1988 và hiện đặt nó dưới sự quản lý của cái gọi là “thành phố Tam Sa”, tỉnh Hải Nam. Bắc Kinh đã xây dựng một bãi đáp trực thăng, một bến tàu, một tòa nhà hai tầng, một nhà kính 500 mét vuông và triển khai 200 binh sĩ trên đá này. 

Loạt ảnh chụp từ vệ tinh đăng trên trang web DigitalGlobe hôm 16-10 cho thấy diện tích đảo Đá Chữ Thập đã lớn hơn rất nhiều so với thời điểm cuối tháng 9 vừa qua với tổng diện tích hiện tại là 0,96 km2, tăng hơn 11 lần so với 0,08 km2 trước đây. Phân tích hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy đảo Đá Chữ Thập không chỉ trở thành một trong những đảo thuộc quần đảo Trường Sa do Trung Quốc chiếm giữ mà còn cho thấy đảo Đá Chữ Thập đã trở thành đảo lớn nhất quần đảo Trường Sa, có diện tích vượt qua đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm giữ.

Giới quan sát nhận định, Trung Quốc gấp rút xây dựng công trình nhân tạo trên đảo này từ năm 2014 gồm đường băng, sân bay và nhiều đường lớn và dự đoán diện tích đảo Đá Chữ Thập sẽ còn mở rộng khoảng 2 lần nữa cho tới khi hoàn tất công trình.

Căn cứ vào những thông tin nói trên có thể thấy Trung Quốc đang nhằm vào những mục tiêu sau đây: 

Về pháp lý: Củng cố trên thực tế “chủ quyền bất khả xâm phạm” mà Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để đánh chiếm từ năm 1988. Điều đáng lưu ý là Trung Quốc đang cố biến Đá Chữ Thập, cũng như những thực thể địa lý khác mà họ đã đánh chiếm của Việt Nam, từ những đảo chìm thành đảo nổi, từ những bãi cạn san hô không thích hợp cho đời sống con người thành những đảo “thích hợp cho con người sinh sống” và có “đời sống kinh tế riêng” để  họ thực hiện yêu sách mở rộng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của “quần đảo Nam Sa”. Đây cũng là phương cách để “hợp thức hóa” đường biên giới “lưỡi bò” đang bị dư luận phản bác.

Về kinh tế: Đây chính là căn cứ hậu cần phục vụ cho những hoạt đông khai thác nguồn tài nguyên sinh vật và không sinh vật tại khu vực phía Nam Biển Đông, nơi chứa đựng tài nguyên phong phú, đa dạng, mà Trung Quốc đang tìm cách xâm chiếm, đặc biệt là dầu khí, nguồn nhiên liệu mà Trung Quốc hy vọng có thể thỏa mãn “cơn khát” năng lượng của mình. Khi Trung Quốc liều lĩnh triển khai giai đoạn cắm các mũi khoan khai thác dầu khí ngay  trên thềm lục địa của Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines… thì căn cứ hậu cần nơi đây sẽ là giải pháp kinh tế hiệu quả nhất. Đồng thời, nơi đây cũng là căn cứ hậu cần lý tưởng cho hoạt đông đánh bắt cá của hàng ngàn tàu cá của Trung Quốc đang ồ ạt kéo xuống vơ vét nguồn hải sản phong phú và có giá trị ở phía Nam Biển Đông.

Về an ninh quốc phòng: Cùng với các căn cứ quốc phòng được xây cất và  đã đưa vào hoạt động  ở quần đảo Hoàng Sa, căn cứ quân sự ở  Gạc Ma, Chữ Thập, đã tạo thành  một hệ thống quân sự tấn công liên hoàn, là tiền đồn vững chắc  của Trung Quốc trong Biển Đông... phục vụ cho mọi cuộc xâm lược  được vạch ra để thực hiện  chiến lược độc chiếm Biển Đông của họ.

Khẩn trương xây dựng đường băng sân bay ở Gạc Ma, Đá Chữ Thập… là thách thức và cũng  là hiểm họa đối với tất cả các quốc gia ven Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông. Điều đáng lưu ý nữa là với những sân bay được khẩn trương xây cất ở đây còn nhằm phục vụ cho việc khống chế hoạt động hàng không quân sự và dân sự quốc tế  bay qua vùng trời Biển Đông. Phải chăng nó liên quan đến việc Trung Quốc sẽ công bố Vùng nhận dạng phòng không mà họ đang có kế hoach thực hiện trên bầu trời Biển Đông…

Trên phương diện thông tin truyền thông, Trung Quốc cố tình làm rùm beng những thông tin này vào thời điểm hiện nay còn nhằm thách thức dư luận, cố tình khẳng định quyết tâm chiến lược của mình trước dư luận trong nước và quốc tế, dọn đường dư luận cho những bước phiêu lưu mới của họ. Đặc biêt, có thể đây cũng là phương cách Trung Quốc đang thực hiện chiến thuật  đẩy mâu thuẫn trong nội bộ đang rất rối ren phức tạp  ra bên ngoài….

Chính vì vậy mà Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam đầu tháng 10 đã một lần nữa khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Vì vậy, mọi hoạt động của các bên tại các khu vực này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều bất hợp pháp và vô giá trị. Với những diễn biến nghiêm trọng và phức tạp nói trên, tôi tin rằng, Việt Nam sẽ không dừng lại ở những tuyên bố ngoại giao, mà chắc chắn sẽ có những phương án đấu tranh trên các mặt trận khác tại thực địa, pháp lý, truyền thông… mạnh mẽ và hiệu quả hơn.