Trung Quốc leo thang căng thẳng khi cấp quyền sử dụng đất tại Hoàng Sa và Trường Sa

ANTĐ - Nguồn tin từ Bộ Đất đai - Tài nguyên Trung Quốc nói, từ năm 2018, nước này sẽ cho phép đăng ký quyền sử dụng đất đối với cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Nếu được xác nhận, đây là sẽ là động thái vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo trên.
Trung Quốc kéo giàn khoan thứ hai vào biển Đông

Cục Hải sự Trung Quốc ngày 18-6 ra thông báo, sẽ điều giàn khoan thứ hai tới biển Đông. Theo thông báo, từ ngày 18 đến ngày 20-6, giàn khoan Nan Hai Jiu Hao (Nam Hải số 9) sẽ được tàu lai dắt kéo từ toạ độ 17 độ 38 vĩ Bắc, 110 độ 12 phút 3 kinh Đông tới vị trí có tọa độ 17 độ 14 phút 6 vĩ Bắc, 109 độ 31 phút kinh Đông trên biển Đông. Giàn khoan "Nan Hai Jiu Hao" di chuyển với tốc độ 4 hải lý/giờ.

Trung Quốc leo thang căng thẳng khi cấp quyền sử dụng đất tại Hoàng Sa và Trường Sa ảnh 1
Giàn khoan Nan Hai Jiu Hao (Nam Hải số 9) của Trung Quốc. Ảnh: Chinanews


Toạ độ xuất phát của giàn khoan Nan Hai Jiu Hao (Nam Hải số 9) này là đảo Hải Nam và điểm đến là khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ. Đây là khu vực mà Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang tiến hành các bước để đàm phán phân định lãnh hải giữa hai bên. 
Đây là giàn khoan lớn thứ hai mà Trung Quốc kéo tới biển Đông kể từ ngày 1-5 tới nay. Giàn khoan này cũng được kéo đến ngay sau khi Uỷ viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì tới Việt Nam và có các cuộc gặp với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Việc kéo giàn khoan tới sát khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ là thêm một hành động khiêu khích nữa của Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ hiện vẫn còn rất căng thẳng.Các tàu hộ tống Trung Quốc tăng bảo vệ giàn khoan trái phép Hải Dương 981 Ngày 18-6, phía Trung Quốc tăng cường co cụm số lượng lớn tàu thuyền tạo thành thế gọng kìm và chủ động ngăn cản các tàu Kiểm ngư Việt Nam làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển. Sáng cùng ngày, lợi dụng gió dòng, biên đội tàu Kiểm ngư Việt Nam tiếp cận giàn khoan ở khoảng cách 9,8 hải lý, các tàu Trung Quốc gồm: Hải cảnh 3383, 4501; hải giám 2168, tàu kéo 263 chủ động tiến ra ngăn cản các tàu Kiểm ngư Việt Nam đến vị trí cách giàn khoan 13 lý, các tàu Trung Quốc giảm tốc độ. Riêng tàu Hải cảnh 3383 cố tình bám sát các tàu Việt Nam để theo dõi.

Trung Quốc leo thang căng thẳng khi cấp quyền sử dụng đất tại Hoàng Sa và Trường Sa ảnh 2
Trung Quốc huy động rất nhiều tàu lớn với chiến thuật dàn hàng ngang để bảo vệ việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển của Việt Nam. (Nguồn: canhsatbien.vn)


Chiều cùng ngày, biên đội Kiểm ngư Việt Nam tiếp tục lợi dụng gió dòng tiếp cận giàn khoan ở cự ly 9,5 hải lý, phát hiện Trung Quốc tăng cường nhiều tàu phòng thủ ở khoảng cách 6,5 đến 7,5 hải lý so với vị trí giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981). 11 tàu Trung Quốc gồm các lực lượng hải cảnh, hải giám, ngư chính hải tuần và 5 tàu kéo tạo thành thế gọng kìm chủ động tiến lại gần các tàu Kiểm ngư Việt Nam để ngăn cản. Lúc 14h15 cùng ngày, phát hiện máy bay trinh sát CMS B3586 bay tuần tiễu ở độ cao chỉ khoảng 100m so với mặt nước biển, ngay trên đầu đội hình Kiểm ngư Việt Nam.
Trung Quốc sẽ cho đăng ký trái phép quyền sử dụng đất ở Hoàng Sa và Trường Sa

Tờ Economic Observer (trụ sở tại Bắc Kinh) tiết lộ, chính quyền Trung Quốc sẽ áp dụng một hệ thống đăng ký quyền sử dụng đất mới bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Economic Observer dẫn các nguồn tin từ Văn phòng Đăng ký Bất động sản thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc cho biết, nước này sẽ công nhận quyền sở hữu và sử dụng “bất động sản” trên biển và đảo thuộc "chủ quyền lãnh thổ" của Trung Quốc, theo trang tin Want China Times (Đài Loan) ngày 18-6.

Trung Quốc leo thang căng thẳng khi cấp quyền sử dụng đất tại Hoàng Sa và Trường Sa ảnh 3
Tàu công trình hiện đại của Trung Quốc tại Gạc Ma (Trường Sa, Việt Nam), nơi Trung Quốc dùng vũ lực tấn công, chiếm đóng từ năm 1988- Ảnh: Mai Thanh Hải/Thanh niên


“Bất động sản” cụ thể ở đây là “đất, vùng biển và đảo, nhà ở, những tòa nhà, rừng cây và các vật thể bất di bất dịch”, theo Economic Observer.

Các nguồn tin còn xác nhận bất kỳ người dân hay doanh nghiệp Trung Quốc nào cũng có thể đăng ký quyền sở hữu và sử dụng đất, nhà ở, vùng biển ở những đảo và quần đảo trên biển Đông, bao gồm các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Want China Times cho rằng, hệ thống đăng ký quyền sử dụng bất động sản mới này cho thấy Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng trong chiến lược bành trướng lãnh thổ của nước này ở biển Đông.

Economic Observer cho hay, hệ thống đăng ký quyền sử dụng bất động sản mới sẽ được áp dụng vào năm 2018. Nếu được xác nhận, đây là sẽ là động thái vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo trên.

Đài Loan xây dựng cầu cảng phi pháp ở đảo Ba Bình

Đài Loan đã đưa máy móc hạng nặng tới đảo Ba Bình nhằm xây dựng phi pháp một cầu tàu trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. CNA dẫn lời nghị viên Lâm Úc Phương ngang nhiên tuyên bố, 6 con tàu đã chở cần cẩu, máy đào… tới Ba Bình. 

Đội tàu này còn đi kèm với 6 tàu khu trục nhỏ cùng một tổ lính đặc nhiệm. Theo CNA, công trình phi pháp này trị giá khoảng 110 triệu USD và dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2015. Nghị viên Lâm còn tuyên bố, sau khi cầu tàu hoàn thành sẽ mở ra khả năng cho các tàu hải cảnh, tàu khu trục có tải trọng 3.000 tấn đến neo đậu, biến Ba Bình thành một căn cứ “bảo vệ tàu đánh cá, tàu nghiên cứu hàng hải và tàu khai thác tài nguyên trong khu vực”.