Tiếp tục di dời sư tử đá ngoại lai ra khỏi di tích: Cần đồng thuận vì vẻ đẹp thuần Việt

ANTĐ - Được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện văn hóa nổi bật năm 2014, việc di dời sư tử đá ngoại lai ra khỏi di tích tín ngưỡng và nơi thờ tự đã nhận được nhiều sự đồng tình của dư luận nhân dân. Hôm qua 12-1, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức tổng kết và đánh giá hoạt động này. Bên cạnh sự đồng thuận còn có rất nhiều khó khăn, nói như các đại biểu tham dự thì cần phải cương quyết và khéo léo thì mới thành công.

 Tiếp tục di dời sư tử đá ngoại lai ra khỏi di tích: Cần đồng thuận vì vẻ đẹp thuần Việt ảnh 1Sẽ có những mẫu tượng sư tử thuần Việt cho các làng sản xuất đá mỹ nghệ

Hà Nội di dời 146 tượng sư tử ngoại lai

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội cho biết, thực hiện Công văn số 2662 của Bộ VH-TT&DL và Công văn số 6880 của UBND TP Hà Nội. Sở VH-TT&DL Hà Nội đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền trên 30 quận, huyện, thị xã. Đặc biệt, Hà Nội đã di dời 146 tượng sư tử, riêng quận Long Biên đã vận động di dời thành công 30 tượng sư tử đá ngoại lai tại 11 điểm di tích trước ngày 30-11-2014. Ông Trương Minh Tiến cho biết, việc di dời này ban đầu tưởng dễ, nhưng khi thực hiện lại cực kỳ khó khăn. Không chỉ người dân chưa hiểu thấu đáo mà ngay cả một số cán bộ văn hóa cũng chưa nắm được chính xác sự khác biệt giữa linh vật ngoại lai và thuần Việt. 

Khi thực hiện chủ trương này, Đà Nẵng cũng là địa phương gặp nhiều khó khăn khi làng đá Non Nước “ế” đến 4.500 cặp sư tử đá thành phẩm. Hơn 1.000 công nhân từ trước đến giờ sống với nghề này nay mất việc. Tuy nhiên, Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng cũng đã vận động người dân di dời hiệu quả. Hiện tại, giải pháp đưa ra, đối với mẫu vật to, sẽ dành để tạo tác lại sư tử thuần Việt, còn đối với mẫu nhỏ sẽ nghiền thành bột đá, đúc những mẫu tượng mới. Hiện tại, việc di dời sư tử đá ngoại lai ra khỏi di tích vẫn đang được các địa phương Thái Bình, Ninh Bình, Hưng Yên thực hiện hiệu quả. 

“Sau di tích sẽ đến cơ quan, công sở”

Đó là chủ trương tiếp theo mà Bộ VH-TT&DL sẽ thực hiện trong thời gian tới. Hiện tại, trước một số cơ quan công sở, việc trưng bày sư tử đá ngoại lai vẫn tồn tại. Rất ít cơ quan tự động di dời. Vì thế, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục vận động. Bên cạnh đó, Bộ VH-TT&DL truyên truyền đến các trang mạng thông tin về sản phẩm điêu khắc đá có nguồn gốc ngoại lai, vận động gỡ bỏ và thay thế các sản phẩm khác phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Đặc biệt, nhanh chóng xuất bản sách giới thiệu về nghệ thuật điêu khắc, trang trí truyền thống của Việt Nam dưới dạng cẩm nang hình ảnh, sách cần được phát hành rộng rãi tới các địa phương, như vậy sẽ nâng cao nhận thức, khuyến khích các nghệ nhân làng nghề nghiên cứu và tham khảo tài liệu vốn cổ, để tạo ra các sản phẩm mang bản sắc Việt, hợp với hơi thở của thời đại. 

Lựa chọn giải pháp tình thế 

Trong thời gian vừa qua, Bộ VH-TT&DL cũng đã tổ chức một số hoạt động nhằm tìm ra mẫu linh vật mới, dựa trên những phiên bản linh vật đã có từ nhiều đời, vừa là để đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người dân, vừa là đưa ra hướng sản xuất mới cho làng nghề đá mỹ nghệ. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu thì vừa nên lại vừa không nên. GS.TS Vũ Minh Giang cho rằng, nếu chỉ chọn ra vài mẫu rồi dùng văn bản hành chính để áp đặt một cách cứng nhắc thì sẽ “làm văn hóa chết vì nghèo nàn trong sáng tạo”. Họa sĩ Trần Khánh Chương cho biết, chưa nói tới các thợ thủ công mà nhiều nghệ sĩ, người làm công tác mỹ thuật cũng không có nhiều cơ hội để tìm hiểu, tiếp xúc một cách có hệ thống về các mẫu linh vật, trang trí, hoa văn đặc trưng của người Việt. Bên cạnh đó, họa sĩ Trần Khánh Chương cũng cho rằng nhắc đến linh vật chỉ kể đến sư tử và nghê đá thì chưa đủ vì trên thực tế, trong dân gian có rất nhiều hình tượng như hổ, voi, cá sấu... đã được các nghệ nhân dân gian sáng tạo phong phú và sinh động vô cùng.

Một trong những ý kiến thu hút sự tranh luận sôi nổi là việc chọn nơi để sư tử di chuyển từ các di tích ra. Theo PGS.TS Trần Lâm Biền, cách ứng xử với những hiện vật này vừa phải khéo léo, vừa phải cương quyết tránh nửa vời. Nếu chôn, vùi chúng xuống đất hoặc thả xuống sông, xuống biển... thì biết đâu vài trăm, vài nghìn năm sau con cháu chúng ta đào lên lại lầm tưởng đó là sản phẩm văn hóa của cha ông thì tác hại thật khôn lường. Vì vậy giải pháp xuất khẩu hoặc biến chúng thành nguyên liệu tái sinh thông qua việc nghiền thành bột để tái chế như cách làm của các nghệ nhân làng đá Non Nước - Đà Nẵng nhận được nhiều ý kiến đồng tình hơn cả.

Phóng viên Báo ANTĐ được tặng Bằng khen với loạt bài về việc di dời sư tử đá ngoại lai

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh đã có Quyết định số 36/QĐ-BVHTTDL tặng Bằng khen cho 4 tập thể và 12 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền không sử dụng biểu tượng, sản phẩm linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam trong thời gian qua. Các cá nhân được nhận Bằng khen: PGS.TS Trần Lâm Biền, PGS.TS Tống Trung Tín, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế… Với các loạt bài viết như: “Rủi ro bổ đầu di tích: Sự lai căng đáng sợ”; “Sẽ trả giá đắt nếu còn buông lỏng”; “Thô bạo với… di sản”; “Muốn làm chủ đất nước phải bảo vệ bản sắc”; “Làm hỏng di tích vì cám dỗ”…, phóng viên Đỗ Vân Quế của Báo An ninh Thủ đô cũng đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL.