Thượng tướng Phạm Thanh Ngân kể chuyện lái Bảo vật quốc gia

ANTĐ - Trực tiếp bắn rơi 8 máy bay của Không quân Hoa Kỳ và chỉ huy đơn vị bắn rơi 8 máy bay khác; là 1 trong 16 phi công Việt Nam được công nhận danh hiệu Aces (Át chủ bài), Thượng tướng Phạm Thanh Ngân nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn giữ được nét tinh anh, tác phong nhanh nhẹn đậm chất lính không quân.

Thượng tướng Phạm Thanh Ngân kể chuyện lái Bảo vật quốc gia ảnh 1 Thượng tướng Phạm Thanh Ngân nhắc đến các đồng đội cũ với niềm tự hào vô hạn

“Cất cánh” từ lính pháo binh

Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, ảnh hưởng từ người cha tham gia kháng chiến nên mới 16 tuổi, Phạm Thanh Ngân đã hăm hở đăng ký đi nghĩa vụ. Tuy nhiên, mãi đến năm 1959, khi tròn 20 tuổi, ông mới được gọi vào lực lượng pháo binh. “Mình yêu nghề pháo binh lắm”, ông thoáng cười khi nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ, “năm 1961 được cử đi khám tuyển phi công mình còn xin không đi”. Nhưng rồi như là định mệnh, cả đơn vị mấy trăm con người, chỉ có 2 người vượt qua kỳ khám tuyển và Phạm Thanh Ngân là 1 trong 2 cá nhân xuất sắc ấy.

Sau 1 tháng tập kết ở Cát Bi (Hải Phòng), ông được đưa sang Liên Xô học tập. 3-4 tháng đầu ở trời Tây, không lúc nào ông không nghĩ đến việc học tiếng Nga cấp tốc, đi trên xe buýt, ăn cơm cũng xem sách tiếng Nga. “Phải tranh thủ học vì chỉ có biết tiếng mới tiếp thu được kiến thức, mới hoàn thành được nhiệm vụ”, suy nghĩ ấy là động lực để ông không ngừng cố gắng. Quá trình khổ luyện thực tế của chàng phi công trẻ tiếp tục vào cuối năm 1964, sau khi ông tốt nghiệp về nước và gia nhập Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 (Đoàn Không quân Sao Đỏ), Sư đoàn 371. Để đảm bảo yếu tố bí mật, ai hỏi thăm ông cũng chỉ bảo là đi học kỹ thuật. “Thậm chí về nông thôn người ta hỏi “anh đi Liên Xô học gì?”, mình trả lời là “đi học lái máy cày ấy mà”, thế mà ai cũng tin đấy”, ông kể.

 Thượng tướng Phạm Thanh Ngân kể chuyện lái Bảo vật quốc gia ảnh 2Ngày 13-1-2015, máy bay MiG-21 số hiệu 4324 được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia (đợt 3)

Cùng Bảo vật quốc gia không chiến

Những năm kháng chiến chống Mỹ, ta còn sử dụng máy bay MiG-17, chỉ mang được pháo mà không có tên lửa, trong khi Mỹ có vũ khí và dàn máy bay đi trước ta mười mấy năm, toàn những máy bay siêu âm được mệnh danh “Thần Sấm” (F105), “Con Ma” (F4). Đến ngày 9-1-1967, chiếc MiG-21 số hiệu 4324 chính thức được trang bị cho Trung đoàn không quân 921. 

MiG-21 là máy bay siêu âm, tốc độ gấp đôi MiG 17, có tên lửa hồng ngoại, tên lửa điều khiển vô tuyến, có radar… “34 (cách gọi tắt của MiG-21 số hiệu 4324) tuyệt vời lắm! Nhiều trận không chiến ác liệt, bị tên lửa bắn nhưng không rơi nhé! Anh em thay nhau điều khiển chiếc 34 đều lập thành tích xuất sắc cả đấy”, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân nhắc đến chiếc “Én bạc 34” với giọng trìu mến như nói về một đồng đội cũ. 

Ngày 18-11-1967, phát hiện địch đi từng tốp hướng Phú Thọ - Tuyên Quang, biên đội 2 máy bay (số 34 và 36) của phi công Phạm Thanh Ngân và Nguyễn Văn Cốc bám sát, nhắm mục tiêu tiêu diệt tốp đi đầu. Xòe bàn tay trái, Thượng tướng miêu tả lại: “Tốp đầu gồm 4 chiếc đi so le. Mình đi trước nên rướn lên bắn chiếc ngoài cùng bên trái, sau quay ra bắn chiếc ngay bên cạnh. Cự ly gần, tốc độ lớn, bắn xong nó thì mình cũng gần như lao vào nên mình vút lên luôn, không quan sát được thì nghe tiếng Cốc reo lên “Cháy rồi”. Thì ra “Chim cắt số 2” (biệt danh của phi công Nguyễn Văn Cốc) cũng đã bắn cháy 1 chiếc bên phải, đồng thời nhìn thấy chiếc thứ hai lĩnh trọn quả tên lửa của mình và nổ tung. Hôm ấy bắn đúng 3 quả tên lửa, tiêu diệt 3 máy bay địch, là trận tác chiến hiệu quả nhất của hai anh em”.

Trong lúc nói về những chiến tích cũ, không khi nào lão tướng không nhắc đến tên các đồng đội của mình bởi như ông bảo thì “Phi công là người cuối cùng, trực tiếp giáp chiến với địch, nhưng để một phi công có thể cất cánh được thì phải kể đến công lao của nhiều người chuẩn bị. Một Trung đoàn 30-40 phi công thì phải có sự chuẩn bị đóng góp của 1.000 người ở mặt đất, từ thợ máy, bộ phận radar - vô tuyến, người làm công tác quân giới (nạp đạn, pháo, tên lửa), người bảo đảm cho đường băng cất - hạ cánh… nhiều thứ lắm. Nên bao giờ bắn rơi được máy bay cũng là thành quả của cả tập thể”.

Trên chiếc “Én bạc 34”, phi công Phạm Thanh Ngân đã trực tiếp hạ 2 máy bay F105 - “Thần Sấm” của Không quân Hoa Kỳ. Đây cũng là thành tích cao nhất mà những người từng lái MiG-21 số hiệu 4324 từng đạt được. Ngày 13-1 vừa qua, chiếc máy bay MiG-21 số hiệu 4324 được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia.

Thượng tướng Phạm Thanh Ngân sinh năm 1939. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1969, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân.