Thực hành chống lãng phí: Hà Nội tiết kiệm được 3.699 tỷ đồng

ANTĐ -5 năm qua, bên cạnh những kết quả nổi bật trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhờ thực hiện quyết liệt chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Hà Nội đã tiết kiệm được 3.699 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước… Thông tin trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 09-CTr/TU Phạm Quang Nghị cho biết tại Hội nghị tổng kết Chương trình 09 của Thành ủy, chiều 14-4.

Thực hành chống lãng phí: Hà Nội tiết kiệm được 3.699 tỷ đồng  ảnh 1

10 đơn vị được nhận Bằng khen của Thành ủy vì thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình 09


“Phòng chống tham nhũng từ chính bản thân mỗi người”

Báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình 09-Ctr/TU về “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2011-2015” của Thành ủy Hà Nội đã nêu bật những kết quả đạt được trong triển khai trên cả 7 lĩnh vực công tác.

Báo cáo nhấn mạnh, với phương châm chủ động phòng ngừa, phát hiện kịp thời, ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm minh; gắn phòng chống tham nhũng, lãng phí với xây dựng chỉnh đốn Đảng, việc thực hiện Chương trình 09 những năm qua đã góp phần nâng cao nhận thức về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí trong cán bộ, đảng viên.

Ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức có nhiều tiến bộ, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ có chuyển biến. Đặc biệt, tình hình tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trên địa bàn thành phố đã được kiềm chế, ngăn chặn, trên một vài lĩnh vực tham nhũng, lãng phí được đẩy lùi.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết thêm, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện các mặt kinh tế xã hội cũng được thành phố hết sức quan tâm, triển khai thường xuyên. Do vậy các vụ án về tham nhũng do cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị gây ra đều được phát hiện kịp thời, không để xảy ra các vụ án tham nhũng, lãng phí lớn, gây bức xúc công luận. Riêng về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong 5 năm qua, các ngành, các cấp từ thành phố đến cơ sở đã thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm, trang bị phương tiện đi lại, trang thiết bị làm việc tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

 Đặc biệt, thành phố đã thực hiện tiết kiệm, tiết giảm tối đa các chi phí khánh tiết, hội nghị, công tác phí - nhất là việc hạn chế tối đa các đoàn lãnh đạo đi công tác nước ngoài… Nhờ đó, kết quả từ năm 2011-2014, toàn thành phố đã tiết kiệm chi được 3.699 tỷ đồng ngân sách.Hà Nội không chỉ là địa phương đầu tiên triển khai, thành lập Ban chỉ đạo triển khai chương trình phòng chống tham nhũng, lãng phí mà còn là một trong những địa phương làm tốt nhất công tác này.

Đó là đánh giá của ông Phạm Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Theo ông Phạm Anh Tuấn, tham nhũng, lãng phí là một hiện tượng xã hội rất phức tạp, là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, vấn đề là hiện tượng này tồn tại nhiều hay ít, chúng ta phải kiềm chế, kiểm soát như thế nào.

“Qua những kết quả mà Hà Nội đạt được cũng như từ thực tế khách quan, tôi thực sự rất tâm đắc với một câu mà đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội  Phạm Quang Nghị từng nói: “Phòng chống tham nhũng bắt đầu từ chính bản thân mỗi người” - ông Phạm Anh Tuấn nói.

Kiên quyết không để đảng viên liên quan đến tham nhũng tham gia cấp ủy

Biểu dương những kết quả mà các cấp, ngành của thành phố đã đạt được, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện công tác này.

Đó là một số mục tiêu, giải pháp của chương trình đạt kết quả chưa cao. Một số cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu còn chưa quan tâm đúng mức, chỉ đạo chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra, đôn đốc, thậm chí còn nể nang, né tránh. Đó là một số vi phạm chưa được phát hiện kịp thời, chưa được xử lý nghiêm minh, việc thu hồi tài sản rất hạn chế.

Tình trạng lãng phí trong đầu tư công, những dự án sử dụng đất hoang hóa nhiều năm, gây bức xúc trong nhân dân vẫn chưa được khắc phục, giải quyết triệt để. “Hơn nữa, công tác phát hiện tham nhũng, lãng phí từ trong nội bộ, từ các cuộc thanh tra, kiểm tra còn ít, phần lớn phát hiện qua đơn thư, báo chí, công luận, đó cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân” - Bí thư Thành ủy phân tích.

Tham nhũng, lãng phí, quan liêu nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ trở thành “ung nhọt”, lực cản kéo lùi sự phát triển của Thủ đô và đất nước, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, công tác này cần được xác định là việc làm thường xuyên, vừa cấp bách vừa lâu dài, đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ, sự kiên trì, quyết tâm rất lớn.

Bí thư Thành ủy đề nghị công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, xét xử để hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, tiêu cực trong các cơ quan hành chính, công quyền cũng cần phải được đẩy mạnh. Đồng thời phải phối hợp chuẩn bị tốt công tác nhân sự đại hội các cấp, giải quyết kịp thời các đơn thư phản ánh, tố cáo tham nhũng có liên quan đến nhân sự dự kiến được giới thiệu để bầu vào cấp ủy các cấp; kiên quyết không để các đảng viên có liên quan đến tham nhũng tham gia cấp ủy khóa mới.             

  

Nâng mức thưởng người tố cáo tham nhũng: Để sát thực tế hơn

Bên lề Hội nghị tổng kết Chương trình 09 của  Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện phòng chống tham nhũng, lãng phí, trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn cho rằng: phải có biện pháp bảo vệ người chống tham nhũng mới khuyến khích được đông đảo người dân tham gia công tác này.

- PV: Theo Thông tư liên tịch sẽ có hiệu lực từ 1-5, người tố cáo tham nhũng sẽ được thưởng tối đa trên 3 tỷ đồng. Liệu mức thưởng cao có khuyến khích người dân tố cáo tham nhũng không thưa ông?

- Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn: Tham nhũng là hành vi ẩn, tội phạm tham nhũng là tội phạm ẩn cho nên nếu không dựa vào tố cáo, tố giác thì các cơ quan chức năng không dễ để phát hiện.

Vì vậy, cùng với việc phải bảo vệ người tố giác tham nhũng, chúng ta cũng cần các biện pháp khuyến khích người dân giúp chính quyền, giúp Đảng, giúp Nhà nước phát hiện hành vi tham nhũng. Một trong những biện pháp đó là khen thưởng.

Đây không phải là mục đích mà để động viên những người dũng cảm tố cáo tham nhũng, thậm chí là giúp bù đắp một phần cho những tổn thất mà họ có thể phải gánh chịu sau khi tố cáo tham nhũng. Việc điều chỉnh mức thưởng lên cao là để sát với thực tế hơn, tránh việc mang tính hình thức.

 Người tố cáo tham nhũng cũng không hẳn vì mức thưởng đó mà sẽ tham gia nhiều hơn. Việc nâng mức thưởng chỉ là một trong nhiều biện pháp để động viên, khuyến khích người dân tham gia tố cáo, tố giác tham nhũng.

- Có nhiều ý kiến cho rằng, công tác bảo vệ người chống tham nhũng chưa thật sự hiệu quả, ông đánh giá vấn đề này như thế nào? Sắp tới chúng ta có quy định, biện pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này không?

- Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn:

Đúng là việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng hiện nay còn rất nan giải. Người tố cáo tham nhũng đôi khi phải chịu sự trù dập, trả thù tinh vi. Các quy định đều nói rõ phải bảo vệ người tố cáo tham nhũng nhưng chưa có các biện pháp cụ thể.

Thực tế vừa qua, không ít trường hợp bị trù dập sau khi tố cáo tham nhũng. Từ đó làm triệt tiêu tư tưởng đấu tranh với tham nhũng, thậm chí không muốn, không dám tố cáo nữa. Trung ương và TP Hà Nội cũng đang nghiên cứu để tìm ra biện pháp hiệu quả để bảo vệ người tố cáo tham nhũng.

- Một số chuyên gia cho rằng hối lộ tình dục là hành vi tham nhũng khó chứng minh. Có nên đưa hành vi này vào Luật để xử lý hình sự không thưa ông?

- Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn:

Việc xác định hối lộ tình dục không dễ dàng. Hành vi này dễ lẫn giữa thỏa thuận, đồng thuận, hay sự “ngầm hiểu”. Hiện nay, có nhiều ý kiến đề nghị đưa hành vi này vào Bộ luật Hình sự sửa đổi. Theo tôi, chúng ta phải tính đến tính khả thi khi đặt vấn đề hình sự hóa hành vi này. Nếu đưa vào luật mà không kiểm soát, phát hiện, xử lý được thì sẽ làm mất hiệu lực của pháp luật. 

- Xin cảm ơn ông !

Phú Khánh (Thực hiện)