Thúc đẩy đàm phán COC giữa Trung Quốc và ASEAN

ANTĐ - Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị cấp cao ASEAN và những vấn đề bàn luận trong đó có việc thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) là những vấn đề được chú ý trong cuộc họp báo thường kỳ của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình diễn ra chiều nay 9-4.

- Tuổi trẻ: Xin Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đánh giá về kết quả chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc?

- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình: Như các bạn đã biết, nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang có chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 7 đến 10-4. Qua kết quả của các cuộc hội đàm, tiếp xúc cũng như các hoạt động rất sôi động của Tổng Bí thư tại Trung Quốc, chúng ta có thể đánh giá chuyến thăm đã thành công hết sức tốt đẹp. Hai Tổng Bí thư đã đi sâu vào trao đổi thẳng thắn và đã đạt được nhận thức chung, quan trọng và sâu rộng về một số định hướng cũng như biện pháp mới nhằm củng cố tin cậy, tăng cường hữu nghị, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên tất cả lĩnh vực, đưa quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển thực chất, lành mạnh, ổn định và bền vững trong thời gian tới.

- An ninh Thủ đô: Bộ Ngoại giao có thể cho biết nghị trình của Hội nghị cấp cao ASEAN cuối tháng này tại Malaysia? Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) sẽ được ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy đàm phán như thế nào tại hội nghị cấp cao này?

- Ông Lê Hải Bình: Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26 sẽ được tổ chức tại Malaysia từ ngày 26 đến 27-4 tới và sẽ tập trung vào một số vấn đề chính như: Cộng đồng ASEAN và tầm nhìn của Cộng đồng ASEAN trong năm 2015, vai trò trung tâm của ASEAN; ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính cũng như sự phục hồi chậm của các nền kinh tế trong khu vực và giải pháp của các nước ASEAN đối với vấn đề này. Các vấn đề quản lý về thảm họa, lĩnh vực môi trường và tất nhiên các vấn đề về hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không của khu vực cũng sẽ được bàn bạc tại hội nghị này. Tất nhiên, trong các vấn đề đó, việc thúc đẩy tiến triển đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN cũng sẽ được bàn luận đến.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tại cuộc họp báo chiều 9-4


- An ninh Thủ đô:
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter vừa cho biết, Washington kịch liệt phản đối quân sự hóa bất kỳ vụ tranh chấp lãnh thổ nào ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời phản đối nỗ lực dùng vũ lực làm thay đổi nguyên trạng trong khu vực. Trong khi đó, sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản ngày 8-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã khẳng định rằng liên minh an ninh giữa 2 nước Mỹ - Nhật đang chặt chẽ hơn bao giờ hết. Washington cũng đề nghị Nhật tăng cường tuần tra trên Biển Đông. Bộ Ngoại giao bình luận gì về những sự kiện này?

- Ông Lê Hải Bình: Hòa bình, ổn định và hợp tác và phát triển ở khu vực, cũng như an ninh, bảo đảm an ninh an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực luôn là mối quan tâm của các nước trong khu vực cũng như ngoài khu vực. Vì vậy, tôi cho rằng cả Việt Nam và các nước ASEAN cũng sẽ luôn hoan nghênh những đóng góp thích cực và xây dựng trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển cũng như an ninh và an toàn hàng hải, hàng không tại khu vực.

- Hãng Prensa Latina (Cuba): Việt Nam đánh giá thế nào về sự hiện diện cũng như vai trò của Cuba tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ sắp tới được tổ chức tại Panama bởi đây là hội nghị thượng đỉnh mà Cuba lần đầu được mời tham dự với sự hỗ trợ của các nước Mỹ Latinh và cũng là lần đầu tiên Mỹ không phản đối về việc này?

- Ông Lê Hải Bình: Chúng tôi hoan nghênh mọi nỗ lực của các nước trong việc củng cố và tăng cường hòa bình, ổn định và hợp tác, phát triển ở châu Mỹ. Với sự tham dự lần đầu tiên của Cuba tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ sắp tới tại Panama, chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng Cuba cũng sẽ luôn nỗ lực theo các mục tiêu đó.

- Báo điện tử Infonet: Sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nga D. Medvedev vừa qua, có thông tin Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Á-Âu. Xin hỏi thỏa thuận hợp tác này bao giờ bắt đầu và sẽ có những thuận lợi gì?

- Ông Lê Hải Bình: Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu đã ra tuyên bố cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do vào tháng 12-2014 và đang tiến tới việc ký kết chính thức vào nửa đầu năm nay. Hai bên đã thống nhất hết được các nội dung cơ bản của hiệp định với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao, đảm bảo cân bằng lợi ích cũng như các điều kiện của các bên. Việc ký kết hiệp định này là bước tiến lớn và quan trọng đưa mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và các thành viên của Liên minh kinh tế Á-Âu lên tầm cao mới, mở ra những con đường mới cho hàng hóa của Việt Nam, cũng như mở ra những cơ hội cho thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia.

- VnExpress: Trong thời gian tới, liệu Việt Nam có nhờ nước ngoài hỗ trợ để tìm thiết bị phóng xạ bị thất lạc ở Vũng Tàu?

- Ông Lê Hải Bình: Theo tôi được biết, việc bảo đảm an toàn cho người dân luôn là mục tiêu cao nhất. Vì vậy, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tìm mọi biện pháp, phù hợp với luật pháp Việt Nam để tìm nguồn phóng xạ bị thất lạc.

- TTXVN: Xin cho biết những cập nhật mới nhất hiện nay về tình hình lao động Việt Nam tại Yemen?

- Ông Lê Hải Bình: Như các bạn đã biết, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã kịp thời thông tin với báo chí. Ngay sau khi có thông tin về 19 lao động Việt Nam tại Yemen, Đại sứ quán Việt Nam tại Arập Xê út kiêm nhiệm Yemen đã liên hệ và giữ liên lạc hết sức chặt chẽ với đại diện của các lao động, cũng như phối hợp chặt với các cơ quan chức năng của Yemen, đại sứ quán của các nước ASEAN và các nước khác để nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho các công dân Việt Nam này. Theo thông tin chúng tôi vừa nhận được, 19 lao động Việt Nam ngày 8-4 đã được di chuyển an toàn ra khỏi Yemen.