Thêm đối tượng không phải đóng phí đường bộ

ANTĐ - Từ 1-11, Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11-9 về hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện của Bộ Tài chính chính thức có hiệu lực thi hành, thay thế cho Thông tư số 197/2012. Có thể nói, so với Thông tư 197, Thông tư 133 có nhiềm điểm mới đáng chú ý.

Thêm đối tượng không phải đóng phí đường bộ ảnh 1Xe mô tô có dung tích xy lanh từ 100cm3 trở xuống chỉ phải đóng tối đa 100.000 đồng/năm. Ảnh: PHÚ KHÁNH

Xóa bỏ mức phí sàn, áp dụng mức phí trần

Theo Thông tư 133, đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký lưu hành (có giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe), bao gồm: Xe ô tô, máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự (gọi là ôtô); xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự (gọi là mô tô).

Điểm đáng chú ý trong Thông tư mới là biểu mức thu phí đối với ô tô được rút gọn từ 11 loại xuống còn 8 loại. Ngoài ra, Thông tư đã điều chỉnh phương thức thu đối với phương tiện của các tổ chức, đơn vị kinh doanh vận tải có số phí phải nộp từ 30 triệu đồng/tháng trở lên được thực hiện khai, nộp phí theo tháng thay vì cộng gộp theo năm như hiện nay.

Về biểu mức thu phí hiện hành theo Thông tư 197, luật sư Võ Đình Hải – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, mức phí quá cao đã gây khó khăn cho địa phương trong việc quy định mức thu phí đối với chủ phương tiện thuộc hộ cận nghèo, hộ khó khăn. Do vậy, Thông tư 133 đã xóa bỏ mức phí sàn hiện hành và chỉ áp dụng mức phí trần để các địa phương áp dụng linh hoạt, phù hợp: Mức phí đối với xe mô tô (không bao gồm xe máy điện): Loại có dung tích xy lanh đến 100cm3 tối đa 100.000 đồng/năm, loại có dung tích xy lanh trên 100cm3 tối đa 150.000 đồng/năm. Xe mô tô của chủ phương tiện thuộc các hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về hộ nghèo được miễn phí. 

Thông tư 133 còn hướng dẫn chế độ thu, nộp và miễn, giảm phí cho hàng loạt các xe kinh doanh vận tải như xe buýt, rơ-moóc và các xe tạm dừng không lưu hành. Đây là sự điều chỉnh kịp thời và phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của các phương tiện nêu trên. Lý do khi triển khai thực hiện Thông tư 197, một số doanh nghiệp vận tải đã phản ánh tới các cơ quan chức năng về việc nhiều phương tiện thực tế không lưu hành trên đường cũng bị thu phí. Cụ thể, với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe container, các đơn vị này  mua từ 2-3 rơ -moóc hoặc sơmi rơ-moóc cho mỗi một đầu kéo nhưng khi hoạt động thì mỗi đầu kéo chỉ kéo theo được một rơ-moóc hoặc sơmi rơ-moóc. Do đó, quy định thu phí theo từng rơ-moóc hoặc sơmi rơ-moóc là không hợp lý. Vì vậy, Thông tư số 133 đã bỏ thu phí đối với rơ - moóc và sơmi rơ - moóc, chỉ tính phí đầu kéo cộng với trọng lượng cho phép kéo theo. 

Dễ xảy ra gian lận

Thông tư 133 tăng thêm 3 nhóm ô tô thuộc lĩnh vực dân sự không phải nộp phí, gồm: Xe bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (do tai nạn, thiên tai, cơ quan chức năng tịch thu..); Xe kinh doanh thuộc các hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên; Xe không tham gia giao thông, sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông đường bộ mà chỉ sử dụng trong phạm vi đất thuộc quản lý của doanh nghiệp như nhà ga, cảng, khu khai thác khoáng sản, nông, lâm nghiệp và xe dùng để sát hạch của tổ chức đào tạo dạy nghề lái xe….

Về quy định này, luật sư Võ Đình Hải phân tích, Thông tư 133 đã kịp thời tháo gỡ những bất cập, đưa ra các quy định phù hợp với thực tế hoạt động của các phương tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là trong số 3 nhóm phương tiện sắp tới được miễn phí sử dụng đường bộ, nhóm thứ 3 là các xe chạy trong khu vực đường nội bộ chiếm số lượng nhiều nhất. Đây cũng là trường hợp dễ bị nhà xe gian dối nhằm trốn nghĩa vụ nộp phí sử dụng đường bộ. Do đó, nếu Nhà nước không có sự kiểm soát chặt chẽ sẽ rất dễ xảy ra tiêu cực. Ngoài ra, khả năng gian lận cũng có thể xảy ra với trường hợp xe xin tạm dừng kinh doanh, nhất là với xe vận tải hàng hóa…

 

Để đảm bảo tính khả thi trong trường hợp giao bưu điện thu phí, vẫn cần có sự phối hợp của UBND cấp xã trong việc thống kê, đôn đốc và xử lý các trường hợp không nộp phí nên Bộ Tài chính đã sửa nội dung này trong Thông tư 133: “Căn cứ điều kiện thực tế địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định giao UBND xã, phường, thị trấn và đơn vị có liên quan là cơ quan thu phí đối với xe mô tô”…