Thấy đỏ... chớ mừng

(ANTĐ) - Những ngày oi bức này, câu chuyện về đầu tư chứng khoán và nhà đất lại nóng lên khác thường. Tình hình đầu tư, theo con mắt của các chuyên gia, có vẻ như có “mùi vị” đầu cơ.

Thấy đỏ... chớ mừng

(ANTĐ) - Những ngày oi bức này, câu chuyện về đầu tư chứng khoán và nhà đất lại nóng lên khác thường. Tình hình đầu tư, theo con mắt của các chuyên gia, có vẻ như có “mùi vị” đầu cơ.

Cứ như thể người ta không hay biết gì về khủng hoảng kinh tế thế giới, suy thoái kinh tế trong nước. Sự hào hứng thái quá gợi nhớ lại không khí sôi sùng sục cách đây hai năm, khi mà nhiều người đua nhau lao vào chứng khoán, địa ốc và chuyện “làm giàu” trong một đêm là chuyện đầu lưỡi của nhiều người.

Người ta hồ hởi khoe nhau rằng, với đà tăng của VN- Index thời gian qua, bỏ ra 1 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán cách đây 2 tháng, bây giờ cầm chắc số tiền đó tăng gấp đôi. Buôn bán gì cho lại! Họ còn “tư vấn” rằng, giá căn hộ chung cư sắp tăng mạnh rồi, vì người ta đang “chốt” tiền thắng chứng khoán và sẽ đổ vào địa ốc.

Bầu không khí “làm giàu” nóng lên trông thấy chẳng khác gì cách nay hai năm, khi đó “bong bóng” trên thị trường địa ốc ở Mỹ bắt đầu nổ vỡ nhưng ở nước ta, cỗ máy kinh tế vẫn trên đà tăng tốc chưa được kìm lại.

Không lâu sau những ngày sôi sục ấy, nước ta phải đối mặt với cơn “bão” lạm phát lên đến gần 30%, và hàng trăm người đã “méo xệch” mặt vì các khoản đầu tư bị đóng băng trên thị trường địa ốc và chứng khoán. Giờ đây, khi kinh tế thế giới chưa gượng dậy, hồi sức sau khủng hoảng, và vì thế kinh tế nước ta chưa thể vội mừng mà vẫn phải đối mặt với vô vàn khó khăn, vậy mà nhiều người đã vội vàng mơ làm giàu.

Ngay cả các nhà đầu tư sừng sỏ và những nhà kinh tế theo chủ nghĩa lạc quan cũng không dám quả quyết là kinh tế đã phục hồi thực sự. Giáo sư được giải Nobel kinh tế Paul Krugman, tuy nói rằng điều tồi tệ nhất đã đi qua nền kinh tế Mỹ và thế giới, song ông vẫn thận trọng dự đoán  thời gian trì trệ còn kéo dài 5 năm.

Tâm trạng của nhà đầu tư thường lạc quan hơn trước khi kinh tế phục hồi, song về cơ bản, các chỉ số kinh tế chưa đủ “chín đỏ” để vội mừng. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như thị trường Mỹ đang đi quá đà với các yếu tố cơ bản. Y như rằng, cuối tuần các thị trường đã giảm tốc hoặc đi xuống.

Thử nhìn vào các chỉ số kinh tế mới nhất cũng chưa thể yên tâm, xuất khẩu là nguồn thu ngoại tệ chủ yếu vẫn còn nhiều khó khăn. Nếu không có kim ngạch xuất khẩu vàng thì trong 5 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu giảm. Tình trạng thất nghiệp vẫn gây lo ngại. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cắt giảm đầu tư và sản xuất trong thời gian qua chưa đầu tư trở lại.

Bản chất của những thị trường mới nổi như Việt Nam là dễ thay đổi, “sớm nắng chiều mưa”. Có thể tăng rất mạnh nhưng thị trường xuống dốc thì tính thanh khoản rất tệ hại. Nguyên nhân chính là tâm trạng háo tiền, khát khao làm giàu nhanh của những người tham gia thị trường, khiến cho đầu cơ là động lực chủ yếu dẫn dắt thị trường lên xuống.

Thấy đỏ chớ vội mừng! Giám đốc một công ty nước ngoài ở Việt Nam khuyến cáo: “Nên tỉnh táo nhìn nhận thị trường không thể lúc nào cũng tăng. Hy vọng nó không trở lại kiểu tăng nóng trước đây, vì như vậy là hoàn toàn không ổn định”. Các nhà đầu tư già đời hiểu khá rõ “luật chơi” và điểm dừng của thị trường.

Đan Thanh