Thận trọng không thừa

(ANTĐ) - Vậy là Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội đã được thực thi hơn ba tháng. Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới nhận xét, chính sách tiền tệ bắt buộc phải thắt chặt là một tín hiệu tốt, nhưng chính sách tài khóa lại khá lỏng. Theo ông, nếu không có cú sốc về giá nguyên liệu, lương thực trong khu vực và thế giới, đặc biệt là Nghị quyết 11 tiếp tục được thực hiện đầy đủ, thì viễn cảnh năm 2011 của Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định dần vào nửa cuối năm.

Thận trọng không thừa

(ANTĐ) - Vậy là Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội đã được thực thi hơn ba tháng. Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới nhận xét, chính sách tiền tệ bắt buộc phải thắt chặt là một tín hiệu tốt, nhưng chính sách tài khóa lại khá lỏng. Theo ông, nếu không có cú sốc về giá nguyên liệu, lương thực trong khu vực và thế giới, đặc biệt là Nghị quyết 11 tiếp tục được thực hiện đầy đủ, thì viễn cảnh năm 2011 của Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định dần vào nửa cuối năm.

Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng đồng tình với nhận định trên khi cho rằng, cùng với việc điều chỉnh giá, việc thực hiện Nghị quyết 11 đến thời điểm này đã có những tín hiệu tốt, khiến cho tỷ giá hối đoái được cải thiện và lòng tin của nhà đầu tư cũng tăng lên. Theo nghiên cứu về chỉ số ổn định kinh tế vĩ mô Việt Nam (VIMS) - thước đo tổng quan về sự ổn định kinh tế vĩ mô dựa trên đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế, từ cuối năm 2010 đến tháng 3-2011, chỉ số VIMS khá ổn định, so với tháng 6-2008 chỉ số này đã tăng vọt nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, tức là khá kém ổn định so với hiện nay.

Điều này có nghĩa là tình trạng bất ổn định kinh tế dù không dao động nhiều nhưng lại kéo dài hơn. Đây là một phân tích rất hữu ích cho thấy, đôi khi chỉ số VIMS không phải là chỉ số hàng đầu để có thể đánh giá sự ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng lại là chỉ số rất quan trọng. Trong khi thông thường, chỉ số VIMS càng cao thì kinh tế vĩ mô càng ổn định. Ngược lại, chỉ số này thấp thì nền kinh tế quá bất ổn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Song trong trường hợp chỉ số này có giá trị âm hoặc quá cao thì cũng không phải là tốt.

Đại diện Ngân hàng Thế giới khẳng định, Nghị quyết 11 là một kế hoạch đáng tin cậy, một bước đi rất quan trọng để Việt Nam có thể đạt được sự ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt thể hiện qua 2 yếu tố là giảm bớt sự chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái chính thức và tỷ giá “chợ đen”. Tuy vậy, dưới góc độ của một số chuyên gia kinh tế trong nước, các biện pháp thắt chặt tiền tệ đã phát huy một số tác động nhất định, nhưng cũng tạo ra các “tác dụng phụ” cho doanh nghiệp. Đó là lãi suất tăng quá sức chịu đựng của doanh nghiệp, thị trường chứng khoán “phá đáy”, dẫn đến khoản tín dụng khổng lồ đã cấp cho các công ty chứng khoán khó có thể trả được.

Thị trường bất động sản có những dấu hiệu đáng lo ngại, “bong bóng” ở một số mảng thị trường có thể vỡ. Bên cạnh đó, đời sống công nhân trong các khu công nghiệp và người thu nhập thấp giảm sút nghiêm trọng. Các bệnh viện vốn đã quá tải lại phải đối mặt với viện phí, giá thuốc tăng cao trong khi nguồn kinh phí chưa được bổ sung tương ứng. Chênh lệch giàu nghèo bộc lộ rõ rệt, nhiều tỉnh đã xảy ra thiếu đói, Chính phủ phải trợ cấp gạo khẩn cấp, trong khi việc tiêu dùng xa hoa, lãng phí của một số nhóm người vẫn không hề giảm.

Phác họa “bức tranh” kinh tế - xã hội cho thấy, không chỉ nhìn vào những mảng sáng hoặc triển vọng tươi sáng, mà phải nhìn thẳng vào thực trạng nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ vừa suy giảm tăng trưởng, vừa lạm phát cao. Quá trình thực hiện Nghị quyết 11 vẫn còn một chặng đường dài đầy thách thức ở phía trước, thận trọng là không thừa. Các biện pháp chính sách cần được thực hiện theo một “kịch bản” tổng thể, đặc biệt cần được dự báo trước hệ quả, sự tác động của chúng đến các lĩnh vực kinh tế, đến doanh nghiệp và người dân như thế nào.

Đan Thanh