Thảm cảnh ngành xuất bản

ANTĐ - “Chúng ta lên án khi nhà xuất bản làm sai, khi cơ quan quản lý Nhà nước lơi lỏng. Nhưng phần trách nhiệm rất lớn từ phía cơ quan chủ quản thì không được làm rõ” – đó là ý kiến của ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) tại Hội nghị Cơ quan chủ quản Nhà xuất bản năm 2014 diễn ra tại Hà Nội sáng 29-1. 

Thảm cảnh ngành xuất bản ảnh 1Từ từ điển “rác” đến sách nhảm nhí, ngành xuất bản chịu không ít tai tiếng
trong năm vừa qua

Nhà xuất bản phân bua

“Một năm đại hạn đối với chúng tôi” -  ông Nguyễn Hoàng Cầm, Giám đốc NXB Lao động - Xã hội kêu trời. Với “sự cố” hai cuốn sách luật in hình phản cảm chịu mức xử phạt tới 252 triệu đồng, trong đó có cuốn in hình diễn viên hài Công Lý, ông cho biết từ tháng 7 cho đến quý IV-2014, đơn vị của ông gần như không hoạt động kinh doanh, chỉ tập trung giải quyết hậu quả của hai cuốn sách nói trên.

Ông Nguyễn Hoàng Cầm giải thích, NXB đã làm đầy đủ các quy trình liên kết, từ khâu duyệt đề tài, thẩm định nội dung… nhưng lại “bỏ sót” khâu kiểm tra sản phẩm với đối tác liên kết trước và sau khi in, để đối tác phát hành mới nộp sách lưu chiểu, dẫn đến sai sót “động trời”. “Liên kết xuất bản là cần thiết, nhưng rủi ro cao” - đại diện NXB Lao động - Xã hội ngậm ngùi. Khi liên kết xuất bản với các đơn vị có quy mô, có năng lực thì còn có thể tin tưởng, còn các trung tâm tư nhân nhỏ thì không thể phó mặc vì năng lực biên tập sơ bộ bản thảo còn yếu, nhận thức chính trị hạn chế. Khi cần thì họ sẵn sàng… tháo lui, thậm chí là giải thể. “Chẳng hạn trong việc hai cuốn sách luật chúng tôi liên kết với Nhà sách Lao động. Khi xảy ra vụ việc vi phạm, họ nói: “Chúng tôi bị phạt rồi. Bây giờ các anh đưa chúng tôi ra tòa cũng chịu, đến phải giải thể thôi, không có cách nào đền cho các anh được”. Chung quy, NXB vẫn phải “đứng mũi chịu sào”, ông Nguyễn Hoàng Cầm thuật lại. 

“Không thể tự cứu mình” là tình trạng của nhiều NXB khi làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả. “Thảm cảnh” - đó là từ mà ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành dành cho NXB Văn hóa - Thông tin, đơn vị vừa nhận quyết định đình chỉ hoạt động sau khi để 60 cuốn sách vi phạm trong năm 2014. Theo ông Chu Văn Hòa, khoảng 2 năm nay, NXB Văn hóa - Thông tin rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, nợ lương công nhân viên. Thậm chí lãnh đạo NXB “ngồi chờ” đối tác đến, có ai đặt vấn đề mua giấy phép xuất bản là… bán. Không nói quá khi những đơn vị như thế này đã để lại nhiều tai tiếng cho ngành xuất bản nói riêng, ngành văn hóa nói chung. 

Không đủ vốn hay nhà xuất bản “dễ dãi”?

Sách “nhảm”, sách kém chất lượng, biên tập cẩu thả, phi giáo dục… sai phạm hàng loạt trong các xuất bản phẩm đòi hỏi ngành xuất bản phải thực sự chuyển mình và mổ xẻ nguyên nhân gốc rễ. “Nhà xuất bản dễ dãi với tác giả” - đó là nhận định của GS.TS Phạm Tất Dong -  Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam đưa ra tại hội nghị. Ông thẳng thắn: “Việc in sách bây giờ đơn giản quá. Có tiền là in được. Nhiều người làm sách vì mục tiêu “lên hàm” Phó Giáo sư. Trong khi chất lượng thì thật đáng buồn”. Ông cho biết thêm, nhiều cơ quan gọi điện nài nỉ chào bán sách nhưng giá thành rất đắt, chỉ cốt lấy doanh thu. Trong khi đó, “nhuận bút cho những người có chuyên môn làm sách là không đáng kể, không khuyến khích người viết” – GS.TS Phạm Tất Dong trăn trở. 

Có một thực tế là việc yếu kém về năng lực của hầu hết các NXB có nguyên nhân rất lớn xuất phát từ việc thiếu đầu tư vốn từ phía cơ quan chủ quản. “Trên 50% số NXB có số vốn làm sách dưới 2 tỷ đồng. Như vậy chính cơ quan chủ quản không lo được cho NXB” – ông Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết. Tình trạng thiếu vốn dẫn đến hệ quả là các NXB hoạt động lay lắt, một năm chỉ cho ra được 5-10 đầu sách, còn thì phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác liên kết. Tài chính chưa đảm bảo, nhiều NXB đành phải chịu cảnh đi thuê hoặc dùng chung trụ sở với diện tích nhỏ hẹp. Khó tưởng tượng một NXB có thể tồn tại và hoạt động tốt trong điều kiện phòng làm việc chỉ vỏn vẹn có 20m2, nhưng đó lại là thực trạng xảy ra ở nhiều đơn vị như NXB Tri thức, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân…

Cùng lúc đó, có đến 13/63 NXB hoạt động trong điều kiện “rắn mất đầu” - thiếu các chức danh cao nhất từ giám đốc đến tổng biên tập. Lúng túng, bị động, chồng chéo…, ngành xuất bản đang vướng phải trăm ngàn thế khó mà nếu không tháo gỡ sẽ không biết bao giờ mới có thể giải quyết ngay chính vấn đề nội tại của mình. Như ông Chu Văn Hòa – Cục trưởng Cục Xuất bản nhận định: “Để rà soát, chấn chỉnh các điều kiện hoạt động của các NXB, nhiệm vụ của ngành xuất bản trong năm 2015 sẽ là tập trung cấp đổi giấy phép thành lập của NXB theo đúng quy định của Luật. NXB không hoạt động hiệu quả phải có phương án sáp nhập, hoặc giải thể. Những “cơ thể ốm yếu” thì không thể đưa ra xã hội để làm ra những sản phẩm văn hóa phục vụ quần chúng”.