Tái cơ cấu – Chính phủ cần quyết liệt hơn

ANTĐ - Sáng nay 1-11-2014, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015. Nhiều đại biểu chỉ rõ, nguyên nhân của việc tái cơ cấu nền kinh tế vẫn còn chậm so với yêu cầu bắt nguồn từ những lợi ích nhóm...

Tái cơ cấu – Chính phủ cần quyết liệt hơn ảnh 1


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (bên trái) với một số đại biểu Quốc hội

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) thẳng thắn nhận định, đề án tái cơ cấu nền kinh tế chúng ta có từ năm 2011, nhưng phải đợi sang đến năm 2013 mới có kế hoạch triển khai. Ngay trong năm 2014 việc đổi mới lại chưa gắn với mô hình tăng trưởng, nguyên nhân là do thiếu kiểm tra đánh giá, nên khi đưa ra các giải pháp dẫn tới tình trạng thiếu đồng bộ, còn lệch lạc.

Đối với việc thực hiện tái cơ cấu Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, chúng ta tái cơ cấu bằng cách giảm tập đoàn kinh tế, nhưng chính các tập đoàn này lại đẻ ra rất nhiều công ty con. Thậm chí là các công ty cháu, chắt. Do đó việc thoái vốn không đạt được so với yêu cầu.

Chính vì vậy, Chính phủ cần quyết liệt hơn trong cơ chế chính sách để địa phương tái cơ cấu mô hình chuyển đổi, cần cắt đuôi các nhóm lợi ích. Thực tế hiện này nhiều DNNN vẫn mang nặng bộ máy bao cấp, thừa thầy thiếu thợ. Cứ đụng đến là sợ do “con ông này, cháu ông nọ”. Vì vậy phải kiêm quyết tinh giảm biên chế để nâng cao sức cạnh tranh của DNNN.

Tái cơ cấu – Chính phủ cần quyết liệt hơn ảnh 2


Đại biểu Nguyễn Thị Khá


Trong lĩnh vực ngân hàng, Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) thẳng thắn chỉ rõ: Chính phủ cần đánh giá cần đầy đủ và minh bạch hơn trong xử lý nợ xấu. Cụ thể là khuôn khổ pháp lý về dân sự, kinh tế, đầu tư, tài chính, ngân hàng còn nhiều bất cập, thiếu sự rõ ràng, đồng bộ. Trình tự, thủ tục xử lý tài sản, tố tụng và thi hành án phức tạp, kéo dài gây tốn kém thời gian và chi phí cho tổ chức tín dụng. Trong thời gian qua chúng ta hình sự hoá một số vấn đề xử lý vụ việc trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.

Tuy nhiên đây là hai mặt của một vấn đề, cái được thì chúng ta thấy hiển nhiên, nhưng ngược lại cái mất cũng không nhỏ, đó là làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, co cụm trong kinh doanh, hạn chế sự mạo hiểm, chấp nhận rủi ro và động lực sáng tạo của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, việc hình sự hóa trong lĩnh vực ngân hàng sẽ làm giảm khả năng thu hồi vốn, tài sản cho Nhà nước và nhân dân, đồng thời làm gia tăng chi phí tái cơ cấu, làm tăng chi phí hoạt động của NHNN, NHTM, đặc biệt là chi phí hỗ trợ thanh khoản.

Trong lĩnh vực đầu tư công, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) và Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) đánh giá, các mục tiêu giải pháp còn quá chung chung. Qua 3 năm triển khai nhưng thay đổi vẫn còn chậm.

Cụ thể là thiếu sự lượng hóa chỉ tiêu cho từng năm giai đoạn nên hiện rất khó đánh giá các việc làm được. Mặt khác để tái cơ cấu phải dựa trên hệ thống pháp luật nhưng hiện nay nhiều luật vẫn chưa được ban hành hoặc ban hành nhưng chưa có hiệu lực. Nhiều ngành chưa quan tâm đến tái cơ cấu, lúng túng, thiếu đồng bộ, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Công tác thanh tra kiểm tra xử lý còn buông lỏng không giám sát gây thất thoát lãng phí, không xử lý nghiêm túc. Quản lý còn chồng chéo giữa Trung ương và địa phương nên nhiều địa phương thiếu chủ động trông chờ vào cấp trên. Chúng ta vẫn nói nông nghiệp là vấn đề quan trọng, nhưng thực tế đầu tư công vào nông nghiệp ngày càng giảm. Không chỉ có vậy, ngay cả y tế, giáo dục… cũng giảm. Đó là vấn đề cần suy nghĩ.