Sắp xếp lại đội ngũ thanh tra xây dựng

ANTĐ - Thông tin Chính phủ yêu cầu chấm dứt việc thí điểm thành lập thanh tra xây dựng (TTXD) quận, huyện và TTXD xã, phường, thị trấn tại TP Hà Nội từ ngày 15-5 tới đây đang gây sự chú ý của dư luận. Hàng nghìn cán bộ TTXD của TP Hà Nội đang rất lo lắng về số phận của mình.

Các thanh tra xây dựng đang thảo luận phương án xử lý ngay tại một công trình vi phạm

Lo ngại khoảng trống quản lý

TP Hà Nội hiện có khoảng 1.300 TTXD. Số lượng công việc mà lực lượng này phải thụ lý là rất lớn. Năm 2012, qua kiểm tra 16.233 công trình đã phát hiện 3.028 trường hợp vi phạm. Do vậy, không quá khi nói rằng, TTXD ở cơ sở là bộ phận cần thiết cho cơ quan quản lý hành chính Nhà nước trong việc kiểm soát trật tự xây dựng tại địa phương. Tuy nhiên bản thân lực lượng này cũng có nhiều vấn đề, thậm chí tiêu cực không ít. Bằng chứng là năm 2012, hàng trăm cán bộ TTXD đã phải chịu kỷ luật vì sai phạm. Tuy nhiên, tới đây, nếu không còn lực lượng này tại cấp phường, xã, nhiều người lo rằng nạn xây dựng sai phép, không phép có thể bùng phát trở lại.

Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, thống kê tới cuối tháng 2-2013 cho thấy, toàn TP Hà Nội chỉ còn tồn đọng 18 công trình vi phạm trật tự xây dựng chưa được xử lý dứt điểm trên tổng số 788 công trình có sai phạm được ghi nhận từ giữa năm 2012. Đây là nỗ lực rất lớn của các quận, huyện và lực lượng chức năng liên quan (trong đó có TTXD) sau khi lãnh đạo TP chỉ đạo xử lý quyết liệt tất cả các công trình vi phạm, không có ngoại lệ. Thêm vào đó, sự vào cuộc quyết liệt như vậy đã tạo ra tính răn đe mạnh mẽ, khiến các đối tượng có ý định vi phạm phải chùn bước. Tỷ lệ các công trình vi phạm mới cũng theo đó giảm rất mạnh. Nay, nếu tạo ra sự xáo trộn lớn trong nội bộ lực lượng TTXD toàn TP, thì chưa biết hiệu quả quản lý tới đâu nhưng gần như chắc chắn sẽ tạo ra khoảng trống lớn trong giai đoạn chuyển tiếp. Đây là yếu tố bất lợi cho công tác quản lý trật tự xây dựng ở Hà Nội, vốn mới qua giai đoạn “nóng” nhất và đang dần đi vào trật tự, kỷ cương.

Một đặc điểm quan trọng nữa là cách thức tiếp cận, xử lý vi phạm của TTXD khác nhiều so với một số thanh tra chuyên ngành khác. Đơn giản bởi hoạt động của TTXD ở cơ sở luôn gắn liền với đất đai, hồ sơ quản lý công trình chứ không thể xử lý kiểu “mắt thấy tai nghe”. Hoạt động xây dựng ở đô thị lớn như Hà Nội diễn ra từng ngày, từng giờ và ở khắp mọi ngõ ngách, thôn, xóm. Việc phát hiện vi phạm ngay từ khi manh nha rất quan trọng bởi nếu để công trình mọc lên vài tầng sai phép, công tác xử lý sẽ rất phức tạp, tốn kém, lãng phí nguồn lực của xã hội. 

Có thể làm lại “giấy khai sinh”

Cũng liên quan tới vấn đề chấm dứt việc thí điểm TTXD quận huyện, xã phường, ngày 2-4, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Đức Học đã ký văn bản gửi UBND TP Hà Nội. Theo đó, để đảm bảo duy trì công tác quản lý TTXD của Thủ đô Hà Nội trong thời gian TP chuẩn bị sắp xếp lại lực lượng quản lý TTXD của các quận, huyện và xã, phường, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị TP có văn bản chỉ đạo UBND quận, huyện trên toàn TP tiếp tục tăng cường quản lý chỉ đạo lực lượng TTXD cũng như siết chặt kiểm tra, xử lý triệt để các vi phạm trật tự xây dựng ngay từ khi mới phát sinh. Đặc biệt, cần ngăn chặn không để xảy ra vi phạm TTXD cho đến khi có Thông tư của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định 26/NĐ-CP và quyết định cụ thể của UBND TP Hà Nội.

Như vậy, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã nhìn thấu tâm tư của lực lượng trật tự xây dựng và nguy cơ khoảng trống quản lý trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề là TP không thể không thực hiện Nghị định 26/NĐ-CP của Chính phủ. Một chuyên gia về quản lý đô thị hiến kế, quy định tại Nghị định 26/NĐ-CP chỉ nói, “Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được tổ chức các đội đặt tại địa bàn cấp huyện”. Như vậy, có thể hiểu, yêu cầu thành lập các đội TTXD là không bắt buộc và các địa phương có thể tùy tình hình để vận dụng.

Tại Hà Nội, để giữ được lực lượng TTXD ở quận huyện, xã phường mà không trái với Luật Thanh tra, có thể đổi tên thành “lực lượng quản lý trật tự xây dựng”. Cùng với đó, TP có thể kiến nghị vận dụng cơ chế đặc thù của Luật Thủ đô để tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng này chịu sự quản lý trực tiếp của quận huyện, xã phường. Vị chuyên gia này nói: “Duy trì tốt lực lượng quản lý trật tự xây dựng ở cơ sở là phù hợp thực tiễn. Không gây ra xáo trộn lớn về mặt cán bộ, sẽ góp phần giữ vững được trật tự xây dựng ở Hà Nội”.