“Rồng đón ngọc” ở cửa ngõ đối ngoại Thủ đô

ANTĐ - Theo Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài do UBND TP Hà Nội đề xuất, trong tương lai, dọc trục Nhật Tân - Nội Bài sẽ hình thành khu đô thị hiện đại, với nhiều điểm nhấn quan trọng gắn với các hình ảnh truyền thống…  

“Rồng đón ngọc” ở cửa ngõ đối ngoại Thủ đô ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xem mô hình quy hoạch trục Nhật Tân - Nội Bài

Siêu đô thị trong tương lai

Báo cáo về đồ án này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã tổ chức lập quy hoạch chi tiết 2 bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài để triển khai đầu tư cũng như quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, đất đai hai bên tuyến đường theo quy hoạch; tạo dựng một trục đường mới hiện đại, tạo điểm nhấn cảnh quan kiến trúc đô thị cho khu vực; tạo động lực phát triển kinh tế quan trọng cho phía Bắc Sông Hồng nói riêng và Thủ đô nói chung. Phương án quy hoạch hai bên tuyến đường đã được tổ chức thi tuyển quốc tế; lấy ý kiến cộng đồng và các cơ quan liên quan theo quy định. Đến nay, hồ sơ quy hoạch chi tiết do Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội phối hợp với công ty TNHH Motor N.A Việt Nam tổ chức lập đã cơ bản hoàn thành, đã lắp đặt mô hình để xem xét, thẩm định, phê duyệt. 

Theo đồ án này, quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài có quy mô 2.080 ha, chiều dài toàn tuyến 11,7km, với điểm đầu là sân bay Nội Bài, điểm cuối là cầu Nhật Tân. Đồ án quy hoạch trục Nhật Tân - Nội Bài được lập với ý tưởng chính là Rồng đón ngọc, xương sống chính là tuyến đường cao tốc kết nối từ sân bay về trung tâm TP, đầu Rồng quay về sông Hồng - Hồ Tây. Đây là cửa ngõ Việt Nam ra thế giới, tạo hình ảnh tuyến đường có môi trường xanh bền vững với dải phân cách trải dài hai bên và đan xen không gian cây xanh mặt nước tự nhiên. Trong đó, mặt nước tự nhiên là yếu tố quan trọng trong khu vực, với ý tưởng hình thành tuyến du lịch đường thủy… 

Đồ án quy hoạch phân làm 4 đoạn. Đoạn 1 từ sân bay Nội Bài đến đường vành đai 3 có diện tích 390,2 ha, chủ yếu là diện tích đất nông nghiệp chất lượng cao với các trang trại nông sản, trung tâm hội chợ nông sản, công viên công nghệ phần mềm kết hợp cây xanh, hồ điều hòa Sơn Du. Đoạn 2 từ đường vành đai 3 đến đầm Vân Trì có diện tích 526,72 ha, gồm các Trung tâm kho vận, thương mại, dịch vụ ga Bắc Hồng, Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia - quốc tế; Trung tâm dịch vụ ga đường sắt đô thị. Đoạn 3 từ đầm Vân Trì đến đê Sông Hồng có diện tích 888,3 ha, gồm tổ hợp Trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ hỗn hợp Phương Trạch bố trí ở phía Tây tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài mang tầm cỡ quốc tế, trong đó, điểm nhấn chính là tòa tháp tài chính cao 108 tầng và Công viên Kim Quy tái hiện lại hình ảnh lịch sử thành Cổ Loa. Đoạn 4, khu vực ngoài sông Hồng, có diện tích 274,6 ha, gồm các chức năng chính như trung tâm triển lãm văn hóa, thương mại dịch vụ cao cấp, khu đô thị sinh thái - đô thị nước, công viên Hoa sen.

Phải quản lý quy hoạch và xây dựng xứng tầm

Để đảm bảo cơ chế chính sách đầu tư các dự án thành phần khu vực phát triển đô thị trục đường Nhật Tân - Nội Bài, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phân chia thành 8 dự án thành phần phát triển đô thị và thành lập Ban quản lý khu vực phát triển đô thị để triển khai thực hiện; đề xuất cho phép lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, khả năng ứng vốn giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng khung, có năng lực xây dựng và vận hành quản lý khai thác sau đầu tư. Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ cho phép huy động từ nguồn vốn vay ưu đãi, vốn ODA, vốn nhàn rỗi tại kho bạc cho đầu tư hạ tầng (trường hợp thiếu sau khi cân đối nguồn vốn)…

Khẳng định khu đô thị này không chỉ quan trọng đối với Hà Nội mà còn với quốc gia, là cửa ngõ của đất nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng  đồng ý về chủ trương, nguyên tắc phát triển của đồ án. Thủ tướng đề nghị Hà Nội tiếp thu ý kiến đóng góp của các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, có thể lấy thêm ý kiến của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể để hoàn thiện quy hoạch, phê duyệt quy hoạch theo thẩm quyền. Đặc biệt, sau khi phê duyệt phải tổ chức triển khai, quản lý, giám sát cho tốt để sau 15 hoặc 20 năm nữa, khu đô thị Bắc Hà Nội sẽ trở thành đô thị văn minh, hiện đại, xứng tầm với Thủ đô, góp phần xây dựng hình ảnh TP Hà Nội hai bên sông giàu đẹp. 

Đi sâu vào một số kiến nghị cụ thể của Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, về cơ chế chính sách đặc thù và quản lý đầu tư phát triển hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài, Hà Nội phải chủ động thu hồi đất, giải phóng mặt bằng với yêu cầu thực hiện tốt chính sách đền bù, tái định cư. Trách nhiệm của Chính phủ cùng các bộ, ngành chức năng và TP Hà Nội là phải tính toán được nguồn vốn dự kiến phục vụ giải phóng mặt bằng khoảng 11.000  tỷ đồng; tiếp đó tiến tới xây dựng hạ tầng theo nguyên tắc đa dạng nguồn vốn. Khi có mặt bằng, có hạ tầng, việc thu hút đầu tư cũng cần đa dạng và phù hợp với từng dự án.