Quốc hội yêu cầu dứt điểm các đơn kêu oan

ANTĐ - Chiều 26-6, với 455/460 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (đạt tỷ lệ 92,11%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.

* Phê chuẩn 15 thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Theo đó, để tạo chuyển biến căn bản, không để xảy ra oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, Nghị quyết của Quốc hội quyết nghị giao Chính phủ, TAND Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao chỉ đạo Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án các cấp tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, chấp hành nghiêm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự. Đặc biệt, khi đã xác định có oan, sai phải kịp thời minh oan cho người bị oan, bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định pháp luật; xử lý nghiêm minh và xem xét trách nhiệm hoàn trả đối với người mắc sai phạm theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; xử lý trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan gây nên oan, sai, để xảy ra bức cung, dùng nhục hình. 

Nghị quyết cũng giao TAND Tối cao tăng cường tổng kết kinh nghiệm xét xử và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; chủ trì, phối hợp với VKSND Tối cao, Bộ Công an tiếp tục rà soát, xem xét, giải quyết dứt điểm các đơn khiếu nại kêu oan, nhất là đơn kêu oan của các bị án có mức hình phạt tù 20 năm, tù chung thân, tử hình; khẩn trương giải quyết các vụ án đã quá hạn luật định, xử lý dứt điểm những vụ án đã kéo dài trên 5 năm và một số vụ án khác được dư luận cử tri quan tâm; minh oan và giải quyết bồi thường kịp thời cho người bị oan đã có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại…

Cũng trong chiều 26-6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIII với tỷ lệ 92,71% số ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành. 

Trước đó vào buổi sáng cùng ngày, Quốc hội đã đã phê chuẩn danh sách 15 thẩm phán TAND Tối cao theo đề xuất của Chánh án TAND Tối cao. Trong 15 thẩm phán được Quốc hội phê chuẩn có 5 người là Phó Chánh án TAND Tối cao đương nhiệm, là thành viên đương nhiên của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao theo quy định của Luật Tổ chức TAND - 2002. 

Trình bày báo cáo giải trình tổng hợp ý kiến ĐBQH về Nghị quyết này, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, việc trình Quốc hội phê chuẩn Thẩm phán TAND Tối cao lần đầu tiên thực hiện theo Hiến pháp 2013. Đối chiếu với Luật Tổ chức TAND năm 2014, cả 15 trường hợp trình Quốc hội phê chuẩn đều đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND Tối cao. 

Phát biểu về kết quả bỏ phiếu thông qua Nghị quyết quan trọng này, Chủ tịch Quốc hội          Nguyễn Sinh Hùng khẳng định vị trí quan trọng của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao và nhấn mạnh, cuộc bỏ phiếu phê chuẩn còn thể hiện tín nhiệm với các thành viên và thể hiện đòi hỏi của Quốc hội và nhân dân với các vị mới được phê chuẩn. “Lưu ý là có vị chỉ được trên 60% đại biểu đồng ý,  có vị được trên 90%, số phiếu khác nhau thể hiện đánh giá sâu sắc của đại biểu. Với các vị tín nhiệm chưa cao cần cố gắng thêm để xứng đáng với vị trí của mình” - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói.