Phải khắc chế doanh nghiệp “ma”

ANTĐ - Sáng 17-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội cho ý kiến vào Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

ĐB Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại
và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): “Cần quy định rõ về vấn đề hậu kiểm,
trách nhiệm hậu kiểm để  tránh tình trạng lập công ty “ma” thực hiện hành vi lừa đảo”

Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Đa số ĐBQH cho rằng, dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này khá toàn diện, khắc phục cơ bản những rào cản, đáp ứng yêu cầu rút gọn thủ tục đăng ký kinh doanh, đa dạng hóa ngành, nghề, tạo điều kiện cho mọi công dân tự do kinh doanh. Dù vậy, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) kiến nghị: “Cần quy định rõ về vấn đề hậu kiểm, trách nhiệm hậu kiểm trong dự thảo để đảm bảo những DN đã đăng ký kinh doanh có tồn tại và hoạt động, tránh tình trạng thành lập công ty “ma” để thực hiện hành vi lừa đảo”.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nhận xét, bên cạnh việc tạo điều kiện cho các doanh nhân dễ dàng triển khai hoạt động tự do kinh doanh, rút gọn thủ tục đăng ký kinh doanh thì Luật cần có những quy định cụ thể trong vấn đề kiểm tra tính xác thực của hồ sơ đăng ký kinh doanh, đồng thời có những chế tài đối với những hành vi vi phạm quy định trong quá trình đăng ký kinh doanh. “Việc tăng cường hậu kiểm, kiểm soát chặt chẽ được quy định trong Luật không chỉ giúp kiểm soát hoạt động của các DN mà còn giúp các cơ quan quản lý Nhà nước phân tích, đánh giá hoạt động của các DN đã đăng ký, kịp thời hỗ trợ và bảo vệ những DN làm ăn chân chính”- ĐB Trần Hoàng Ngân đánh giá.

Nhiều ĐB tán thành việc chỉ ghi nội dung ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật vào giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh. Điểm mới này sẽ giúp DN không cần phải kê khai những lĩnh vực mà họ được phép kinh doanh trong giấy phép, giảm được rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, luật cũng nên quy định trong giấy phép kinh doanh của mỗi DN cần đăng ký các ngành nghề kinh doanh cụ thể. Bên cạnh đó, việc không ghi ngành, nghề kinh doanh của DN trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải cân nhắc, xem xét trong mối tương quan với các luật khác.

Một số ĐB kiến nghị, cần quy định bắt buộc đưa thông tin DN, trong đó, có ngành, nghề kinh doanh lên Website của Bộ KH-ĐT, đồng thời, giữ quy định về ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để phục vụ cho công tác hậu kiểm và DN có cơ sở chứng minh hoạt động của mình, ngăn ngừa phát triển lợi ích nhóm.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, Ủy ban Pháp luật đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 13 theo hướng: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam (theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 1-7-2009) thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam còn giá trị sử dụng thì đăng ký với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để được cấp giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định của Chính phủ. 

Đa số ĐBQH đồng ý với đề nghị của Ủy ban Pháp luật. ĐB Hà Huy Thông (Thừa Thiên-Huế) đề xuất bỏ hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. “Phải sửa kịp thời trước thời điểm 1-7-2014 để tránh tình trạng nhiều công dân không có quốc tịch. Do vậy, tôi đề nghị Quốc hội quy định luật có hiệu lực thi hành ngay từ thời điểm công bố”.

Chính phủ cho biết, sau gần 5 năm thực hiện đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, tính đến 31-12-2013, mới có trên 6.000 người làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ kết thúc vào 1-7-2014.