Nhức nhối quảng cáo gây "sốc", phản cảm

ANTĐ - Dù đã có quy định cấm các hành vi “Quảng cáo trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam” nhưng trên thực tế, những loại quảng cáo vi phạm điều cấm này vẫn đầy rẫy, ảnh hưởng xấu đến nhận thức xã hội.
Sáng nay (30-5), Quốc hội tiếp tục họp về dự thảo Luật quảng cáo. Trong đó nội dung cấm quảng cáo phản cảm, trái thuần phong mỹ tục, quảng cáo rượu, sữa thay thế đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi.

Cần nghiêm khắc với quảng cáo phản cảm!
Theo ý kiến của các đại biểu, trong dự thảo Luật quảng cáo đã nêu ra danh sách các hành vi cấm quảng cáo tuy nhiên chưa cụ thể và rõ ràng. Đặc biệt là dù đã có quy định cấm các hành vi “Quảng cáo trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam” nhưng trên thực tế, những loại quảng cáo vi phạm điều cấm này vẫn đầy rẫy, ảnh hưởng xấu đến xã hội, sự phát triển nhận thức của trẻ em.

Đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) nhận định rằng, trong danh sách các hành vi bị cấm có liệt kê ra 16 hành vi tuy nhiên còn chưa cụ thể, vì những quy định  này còn dễ bị chi phối bởi nhận thức của từng cá nhân. Ví dụ, hành vi cấm "Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam", vẫn còn rất mơ hồ vì theo bà Thắm, khiếu thẩm mỹ và giá trị đạo đức rất khó để xác định vì còn tùy quan điểm,  nhận thức của từng người.

Cũng theo bà Thắm, hiện nay, hoạt động quảng cáo còn nhiều bất cập, rất cần tới sự quản lý của nhà nước vì trên thực tế, những hành vi quảng cáo nhạy cảm vẫn thường xuyên diễn ra điển hình là những quảng cáo có diễn viên, người mẫu ăn mặc phản cảm làm ô nhiễm văn hóa, tác động xấu tới trẻ em.

|

Quảng cáo nước giải khát của Yến Trang, Ngọc Trinh, Hoàng Yến
và quảng cáo bánh của Trà Ngọc Hằng được cho là gây sốc nhất trong thời gian vừa qua

Cùng ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) cũng cho rằng, nên cụ thể hơn nữa những biện pháp xử lý đối với quảng cáo phản cảm, trái thuần phong mỹ tục vì hiện tại, những loại quảng cáo này vẫn diễn ra thường xuyên. Đại biểu này cũng lấy dẫn chứng hai ví dụ về những hành vi quảng cáo phản cảm, đó  là quảng cáo thuốc tân dược trong đó có câu "Một người khỏe, hai người vui", hay như đoạn quảng cáo có hình ảnh hai vợ chồng ôm nhau ngủ, trong đó người vợ mặc chiếc váy ngủ ngắn cũn cỡn, hớ hênh... Các quảng cáo này được đưa ra cuộc sống hàng ngày, chúng sẽ tác động xấu đến nhận thức của trẻ nhỏ và vô tình gửi đi một thông điệp méo mó, làm xấu hình ảnh người phụ nữ Việt Nam vì theo đại biểu trên "đâu phải phụ nữ Việt Nam nào cũng mặc phản cảm thế...!".
Bên cạnh hai ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cũng đề nghị, Dự thảo nên bổ sung cấm quảng cáo các sản phẩm nhạy cảm vào khung giờ "vàng". Đại biểu Lê Hữu Phước (Bình Dương) cũng kiến nghị, Dự thảo nên quy định rõ hơn nữa các nội dung cấm, chế tài xử phạt đối với hành vi quảng cáo gây hại cho trẻ em. Đại biểu Lê Hữu Phước cũng cho rằng, đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời, cần cấm những quảng cáo ảnh hưởng mỹ quan đô thị. 

Trang luận về quảng cáo rượu và quảng cáo sữa thay thế

Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, về cấm quảng cáo rượu, có nhiều ý kiến còn khác nhau. Theo Dự thảo quy định cấm quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 30 độ trở lên. Một số ý kiến đề nghị cấm quảng cáo rượu có độ cồn trên 15 độ, ý kiến khác lại đề nghị cấm quảng cáo rượu có độ cồn trên 25 độ, có ý kiến đề nghị cấm quảng cáo rượu hoàn toàn. 
Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu cho rằng, rượu gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người, có nguyên nhân không nhỏ gây ra các vụ tai nạn giao thông, đánh chém nhau... chính vì vậy nên cấm hoàn toàn các hình thức quảng cáo rượu. 
Theo đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình), không nên quảng cáo đối với những loại rượu trên 15 độ bởi rượu sinh ra nhiều tai nạn, ảnh hưởng sức khỏe con người.

Tuy nhiên trái với ý kiến này, đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) cho rằng: "Thực tế rất ít loại rượu dưới 15 độ, có lẽ chỉ có bia. Thà rằng ta cấm luôn quảng cáo rượu. Quy định như thế này thì hết sức hình thức. Thuốc lá thì ta còn cấm được một cách triệt để, cấm quảng cáo thuốc lá, còn rượu thì ta còn băn khoăn để lại một chút, đó là ý kiến của tôi. Nếu có thì cấm quảng cáo rượu vì rượu là nguy cơ chính, nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông và rất nguy hiểm cho sinh mạng con người".
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) đề nghị nên cấm quảng cáo rượu. Bên cạnh đó, bà Trang cũng kiến nghị nên đưa thêm nội dung cấm quảng cáo trên bìa sách, vở của học sinh, làm các em phân tâm trong quá trình học tập. 
Ngoài việc đề nghị cấm quảng cáo rượu, đa số các đại biểu đều cho rằng, nên đưa các sản phẩm sữa thay thế vào danh mục "Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo" bởi hiện nay xã hội đang đề cao việc nuôi con bằng sữa mẹ. 
Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) cho rằng, nên cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, bởi sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ và hiện nay sữa đang được quảng cáo tràn lan với nhiều hình thức hấp dẫn, dễ dụ dỗ các bà mẹ.
Nhức nhối quảng cáo gây "sốc", phản cảm ảnh 3
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, nên cấm quảng cáo các sản phẩm sữa thay thế 
Đại biểu Võ Ngọc Thứ (Kiên Giang) cũng đồng tình với ý kiến trên và cho rằng, nếu  không cấm sản phẩm sữa cho trẻ dưới 24 tháng thì ít nhất cũng phải cấm quảng cáo sản phẩm sữa cho trẻ dưới 12 tháng. Đại biểu này cũng phân tích thêm rằng, vừa qua dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) cũng đã tăng thời gian nghỉ thai sản cho các bà mẹ có thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, trẻ em có cơ hội bú sữa mẹ, vì vậy cần đưa các sản phẩm sữa thay thế vào danh mục cấm quảng cáo. 
Ngoài những nội dung trên, một số đại biểu cũng kiến nghị, cần bổ sung và xiết chặt thêm các hành vi cấm như cấm quảng cáo trên mặt đường, cấm dán băng rôn, pa-nô, áp-phích tại các tượng đài di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh....
Bên cạnh những vấn đề trên, nội dung được các đại biểu quan tâm đó là vấn đề về cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước về quảng cáo. Theo đó, một số ý kiến đồng tình với dự thảo- Chính phủ nên giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì quản lý vấn đề quảng cáo. Bởi vì: mục đích chính của Luật quảng cáo là quản lý các sản phẩm quảng cáo và không quản lý các phương tiện, công cụ truyền tải các sản phẩm quảng cáo. 
Mặt khác, trên thực tế hiện nay, không ít mẫu quảng cáo hiện nay có dấu hiệu xâm hại đến các yếu tố truyền thống của dân tộc, đánh lừa người tiêu dùng dưới nhiều góc độ. Đặc biệt, tình trạng tồn tại tràn lan các sản phẩm quảng cáo không phù hợp với thẩm mỹ, thuần phong mĩ tục của người Việt Nam trên cả truyền hình, internet và các phương tiện quảng cáo ngoài trời ... Do đó, phải có biện pháp ngăn ngừa nội dung ngay từ đầu hơn là khắc phục và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thích hợp nhất để ngăn chặn tình trạng đang diễn ra hiện nay.
Trái với ý kiến này, một số ý kiến cho rằng, quảng cáo vốn là ngành kinh tế cần phải được quản lý bởi một bộ chuyên về kinh tế quản lý. Các ý kiến này cho rằng, ở nước ta nếu Bộ Công thương không trực tiếp quản lý hoạt động quảng cáo thì Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý là phù hợp nhất.
Bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến đồng tình với dự thảo nhưng đề nghị bổ sung quy định  cụ thể, chi tiết về trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông bởi vì các phương tiện quảng cáo thuộc chức năng Bộ quản lý rất lớn, đa dạng cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin. Mặt khác, cần quy định Chính phủ ban hành nghị định quy định cơ chế phối hợp giữa các bộ trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về quảng cáo.
Chiều nay, Quốc hội họp về dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính, và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính.