Nhìn vào những tồn tại

ANTĐ - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết, du lịch Việt Nam đang đối mặt nguy cơ khách quốc tế sụt giảm mạnh. 

Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2015, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 2 triệu lượt, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách Nga giảm trên 40%, Trung Quốc giảm 27%, châu Âu giảm 11%... Trong vòng 10 tháng liên tục, từ tháng 4-2014 đến tháng 3-2015, tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam luôn là con số âm. Tại sao khách du lịch lại giảm như vậy?

Theo các nhà quản lý du lịch thì nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm trên là do nền kinh tế thế giới suy thoái, ngấm sâu vào thị trường Việt Nam nên du lịch cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra còn do tác động của các nguyên nhân khác như: Đồng Rúp mất giá, đồng Euro giảm giá so với đồng USD khiến chi phí du lịch của cá khách châu Âu bị đội lên... v.v và v.v…

Đúng là có những tác động đó, song ngành Du lịch Việt Nam cũng cần nhìn lại những hạn chế, tồn tại trong nhiều năm qua. Những hạn chế đó cũng là nguyên nhân lớn làm du lịch Việt Nam mất khách.

Ví như sản phẩm du lịch của Việt Nam nghèo nàn. Quảng bá du lịch Việt quá kém, lạc hậu, không hiệu quả; công tác tuyên truyền để từng người dân làm du lịch, mỗi người dân phải là một đại sứ du lịch dường như vẫn bằng không.

Thực tế nhiều nơi còn chưa biết làm du lịch, vì lợi nhuận trước mắt tranh thủ “chặt chém” khách” du lịch. Thậm chí ngay đến khách du lịch trong nước còn chọn đi du lịch nước ngoài do giá du lịch một số tour trong nước còn đắt hơn đi du lịch nước ngoài. Nói gì đến khách du lịch nước ngoài.

Đó là điều đáng báo động! Và hãy thử nhìn sang nước bạn. Năm 2015, khách đến Việt Nam giảm mạnh trong khi khách đến Thái Lan tăng tới 20%; du khách đến Campuchia cũng đang tăng mạnh. Nhiều nước còn có các hình thức giảm giá hấp dẫn. Bây giờ đi du lịch tour ở Nhật Bản 5 ngày 4 đêm chỉ mất có 20 triệu đồng, đi Hàn Quốc còn 16 triệu đồng. Còn đặc biệt nhất, có tour đi Thái chỉ còn 5 triệu đồng. Với giá tour chỉ bằng vé máy bay khứ hồi từ Hà Nội vào TP.HCM mà được đi du lịch Thái Lan những 5 ngày 4 đêm thử hỏi có gì hút khách hơn? Như vậy, ngành Du lịch Việt Nam cần phải đặt câu hỏi: các nước bạn có bị ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế không? Tại sao du lịch vào nước họ vẫn tăng?...

Hiện, giá tour ở Việt Nam khá cao so với các nước trong khu vực, nhiều điểm đến du lịch ở Việt Nam liên tục tăng giá vé vào cửa, có chỗ đã tăng giá vé gấp đôi. Thông lệ ở nhiều nước giá vé tham quan ít khi thay đổi. Có thể kể ra như ở Angkor Wat, Campuchia, từ năm 1999 đến nay giá vé vào cổng chưa một lần tăng!

Chưa kể nhiều chính sách ưu đãi để thu hút người Campuchia vào tham quan các di sản của đất nước mình bằng cách hoàn toàn miễn phí. Ngược lại, ở Việt Nam một năm tăng giá vé đôi ba lần không dựa trên một biểu giá nào với những lý do tăng giá khó chấp nhận. Nhiều điểm tăng giá vé liên tục, nhưng chất lượng dịch vụ không tương xứng….

Làm ăn như thế thì mất khách là đúng rồi.