Ngư dân vẫn khó vay vốn đóng tàu

ANTĐ - Nghị định 67/2014/NĐ-CP về phát triển thủy sản, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển ra đời đã gần 1 năm, nhưng đến nay số ngư dân được tiếp cận vốn vẫn quá ít ỏi. 

Ngư dân vẫn khó vay vốn đóng tàu ảnh 1Ngư dân có nhu cầu vay vốn đóng tàu vỏ thép rất lớn

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sau 8 tháng thực hiện Nghị định 67 đã có 628 chiếc tàu đăng ký đóng mới, trong đó 267 tàu vỏ thép, vật liệu mới 44 chiếc, vỏ gỗ 317 chiếc và 80 tàu đăng ký nâng cấp. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 31 tàu đăng ký đóng mới và nâng cấp ký được hợp đồng tín dụng với tổng số tiền 271 tỷ đồng, thời hạn cho vay là 11 năm, mức cho vay từ 60-95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu.

Lý giải việc quá ít ngư dân tiếp cận được nguồn vốn, ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, các địa phương và ngư dân vẫn lúng túng về trình tự, thủ tục đăng ký, thẩm định dự án đóng tàu. Trong khi đó, một số chính sách tín dụng vẫn còn nhiều cản trở như lãi suất vay vốn lưu động ở mức 7%/năm cũng chưa đủ hấp dẫn chủ tàu, bởi không thấp hơn nhiều so với lãi suất vốn vay thông thường nhưng lại cần nhiều thủ tục. Đại diện nhiều tỉnh, thành phố cũng cho rằng, nguyên nhân chậm trễ trong việc hỗ trợ ngư dân là do thiếu vốn đối ứng khi ngư dân lựa chọn đóng mới tàu. Hơn nữa, thủ tục, trình tự đăng ký mẫu tàu, vay vốn còn nhiều rào cản.

Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay, đến nay, tỉnh này đã phê duyệt đóng mới 32 tàu, nâng cấp 13 tàu nhưng chưa tàu nào được giải ngân vay vốn theo Nghị định 67. Số lượng tàu đóng mới quá ít là do mẫu tàu, phương án thiết kế tàu còn nhiều chi tiết chưa phù hợp tập quán đánh bắt thủy sản của ngư dân; giá đóng mới còn cao; việc vay vốn rất khó, đặc biệt một số chủ tàu khó khăn về tài sản thế chấp, không chứng minh được tài sản đối ứng.

Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh vẫn có tâm lý nghe ngóng vì thời gian cho vay ngắn mà giá trị đóng mới một con tàu rất lớn. Trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại còn chần chừ, chưa quyết liệt tham gia dẫn đến sự chậm trễ của chính sách. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị, nên kéo dài thời gian cho vay đóng mới tàu vỏ thép từ 11 năm lên 16 năm để ngư dân có thời gian hoàn vốn trả nợ.

Hơn nữa, nhiều ngư dân cho biết, mẫu thiết kế tàu cá của Bộ NN&PTNT không phù hợp với thực tế, nên khi đưa ra các mẫu, ngư dân phải đăng ký mẫu mới với Tổng cục Thủy sản, đẩy chi phí đóng tàu lên cao hơn. Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định nhận định, 21 mẫu tàu do Bộ NN&PTNT đưa ra đều không đáp ứng thực tế đánh bắt của ngư dân địa phương. Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh thông tin, một số ngư dân phản ánh các cơ sở định giá tàu đóng mới hơi cao. Địa phương đề xuất các cơ sở đóng tàu cần đưa ra giá hợp lý nhất.

Theo đánh giá, Nghị định 67 về hỗ trợ ngư dân phát triển sản xuất, vươn khơi bám biển là chính sách toàn diện nhất dành cho ngư dân từ trước đến nay. Ngay khi Nghị định ra đời, liên bộ cũng đã rốt ráo xây dựng các thông tư, chính sách hướng dẫn, các mẫu tàu mới cũng được Bộ NN&PTNT đưa ra nhưng quá trình triển khai còn chậm và chưa sát thực tế. Chính sách hay nhưng việc thực hiện kém đã khiến không ít ngư dân bày tỏ sự nghi ngại về sự “chết yểu” như nhiều chính sách dành cho ngư dân trước đó.