Ngăn ngừa sự tùy tiện khi ra quyết định đầu tư

ANTĐ - Sáng 16-11, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư công.

Theo ông Bùi Quang Vinh, việc ban hành Luật Đầu tư công nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; chống thất thoát, lãng phí; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công.

Riêng về đầu tư của doanh nghiệp nhà nước được chế định trong Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 7 tới – Bộ trưởng Vinh cho biết thêm.

Các ĐBQH trao đổi bên lề phiên họp sáng 16-11


Dự luật đã thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư. Bộ trưởng nói: “Đó là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án; nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư. Thực tế quản lý đầu tư công trong thời gian qua cho thấy lãng phí, thất thoát có nhiều nguyên nhân khác nhau, như buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công, nhưng lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả”.

Cùng với đó, việc quy định về thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn trong Luật Đầu tư công (thể chế hóa các chủ trương, giải pháp trong Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011) sẽ là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế và đi tới chấm dứt việc quyết định chương trình, dự án vượt quá khả năng bố trí vốn, khắc phục tình trạng bố trí dàn trải, kéo dài và gây nợ đọng xây dựng cơ bản lớn như hiện nay.

Thêm một điểm mới đáng lưu ý là trên cơ sở giữ các nguyên tắc về phân cấp quản lý đầu tư công, quyền hạn của các cấp, các ngành như hiện nay, dự án luật đã chế định một cách có hệ thống về quyền hạn và trách nhiệm của các cấp trong toàn bộ quá trình đầu tư của các chương trình, dự án, từ lập kế hoạch, phê duyệt, đến triển khai theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Thẩm tra dự án Luật Đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư công. Song có ý kiến cho rằng để bố cục của dự án Luật hợp lý hơn, đề nghị cân nhắc sắp xếp lại thứ tự của Chương II và Chương III theo trình tự triển khai của chương trình, dự án đầu tư công là lập kế hoạch, phê duyệt chủ trương và sau đó mới phê duyệt quyết định đầu tư từng chương trình, dự án cụ thể...

Cũng trong sáng 16-11, Quốc hội đã thông qua Luật Việc làm với 84,34% ĐBQH tán thành. Luật có hiệu lực thi hành kể từ 1-1-2015. Với 85,34% ĐBQH tán thành, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ 1-7-2014.

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật hải quan (sửa đổi).