Thanh tra Chính phủ:

Nếu cần thiết, sẽ thanh tra dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

ANTĐ - Tại cuộc họp báo sáng 23-1, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, nếu thấy thực sự cần thiết, Thanh tra Chính phủ sẽ vào cuộc thanh tra Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) theo quy định của pháp luật.

Nếu cần thiết, sẽ thanh tra dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông ảnh 1Công trình Dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đang thi công
Ảnh: NGỌC TUẤN

Thời gian vừa qua, Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông liên tục xảy ra các vụ tai nạn lao động. Trả lời câu hỏi của báo chí về việc tại sao Thanh tra Chính phủ không vào cuộc thanh tra dự án này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết, việc thanh tra tại dự án này thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT. Thanh tra Chính phủ vẫn theo dõi sát sao dự án này. Trong thời gian tới, nếu thấy thật sự cần thiết, Thanh tra Chính phủ sẽ xem xét để vào cuộc thanh tra dự án này.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết, vì đã phân cấp quản lý nên Thanh tra Chính phủ không thể trực tiếp vào cuộc ngay. Song khi có sự việc xảy ra, Thanh tra Chính phủ đều yêu cầu các địa phương, bộ, ngành báo cáo. 

Một nội dung khác được dư luận quan tâm là kết quả thanh tra về quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ. Theo đó, có tới 12 dự án thuộc một bộ chưa có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 9 dự án không nằm trong quy hoạch nhưng vẫn được phê duyệt, triển khai thi công với tổng mức đầu tư hơn 14.600 tỷ đồng, gây nợ đọng xây dựng cơ bản  số tiền 673 tỷ đồng. Trả lời báo chí, ông Lê Sỹ Bảy - Vụ trưởng Vụ Thanh tra kinh tế ngành – Thanh tra Chính phủ cho biết, nội dung này Thanh tra Chính phủ không trực tiếp thanh tra mà tổng hợp từ kết quả thanh tra của các bộ, ngành, địa phương. Hiện Thanh tra Chính phủ đang tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, từ đó sẽ đề xuất xử lý từng vụ việc cụ thể. 

Cũng trong ngày 23-1, Thanh tra Chính phủ đã công bố danh mục thanh tra, kiểm tra chính thức trong năm 2015 với 25 cuộc thanh tra, 5 cuộc kiểm tra. Cụ thể, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hoá, thoái vốn và tái cơ cấu của Tập đoàn Dệt may và Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt nam; thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long; thanh tra tại 7 bộ về trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng...