Nằm đáy bao lâu?

(ANTĐ) - Khi bàn về tình hình kinh tế nước ta, trên diễn đàn Quốc hội nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay chính là thời điểm chín muồi để tái cơ cấu nền kinh tế đảm bảo vừa chống suy thoái, ngăn ngừa tái lạm phát, vừa phát triển bền vững. Vấn đề đặt ra là khả năng phục hồi kinh tế ra sao, nói cách khác là thời gian nằm ở “đáy” bao lâu?

Nằm đáy bao lâu?

(ANTĐ) - Khi bàn về tình hình kinh tế nước ta, trên diễn đàn Quốc hội nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay chính là thời điểm chín muồi để tái cơ cấu nền kinh tế đảm bảo vừa chống suy thoái, ngăn ngừa tái lạm phát, vừa phát triển bền vững. Vấn đề đặt ra là khả năng phục hồi kinh tế ra sao, nói cách khác là thời gian nằm ở “đáy” bao lâu?

Trong một cuộc tọa đàm về “Khủng hoảng và giải pháp hậu khủng hoảng cho Việt Nam”, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) vừa tổ chức, một số chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại về sự “hồi sức” của kinh tế Việt Nam, bởi sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, phải mất tới ba năm kinh tế mới gượng dậy nổi. Khác với các nước trên thế giới, mặc dù đang bị khủng hoảng nhưng nền tảng kinh tế vẫn ổn định, suy thoái kinh tế của Việt Nam xảy ra giữa lúc nền móng kinh tế còn nhiều bất ổn vĩ mô từ 10 năm nay.

Bằng chứng là tốc độ tăng vốn đầu tư luôn vượt trội so với mức tăng trưởng GDP và “đỉnh điểm” là vào năm 2007. Mức tiêu dùng cũng tăng vọt từ năm 2001. Lạm phát sau một thời gian chậm lại, đã tăng nhanh từ năm 2005. Tốc độ tăng nhập khẩu luôn cao hơn xuất khẩu, dẫn đến nhập siêu ngày càng cao. Hiệu quả sử dụng vốn, biểu thị qua chỉ số ICOR ngày càng thấp.

Hơn thế, chương trình kích cầu đầu tiên triển khai từ năm 1999, tuy có giúp cho GDP trong những năm sau đó tăng lên chút ít, nhưng do kéo dài quá lâu, nhiều công trình đến nay vẫn chưa thể hoàn thành cũng góp phần không nhỏ tạo nên “mầm mống” lạm phát. Từ kinh nghiệm không mấy thành công của chương trình kích cầu đầu tiên, các chuyên gia tỏ ra khá thận trọng với hiệu quả của các gói kích cầu đang được áp dụng.

Một chuyên gia tài chính cho rằng: “Dường như đây là gói cứu trợ doanh nghiệp và ngân hàng thương mại là chính”. Nếu không rút được bài học từ chương trình kích cầu trước đây, khả năng bất thành của giải pháp kích cầu hiện nay là khá cao. Một trong những bất cập cần khắc phục ngay là khả năng hấp thụ và hiệu quả sử dụng vốn.

Từ năm 2003, Chính phủ đã huy động được 300.000 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu, nhưng đến nay mới giải ngân được 1/3. Đây là bằng chứng cho thấy khả năng “tiêu hóa” vốn rất kém của nền kinh tế. Một chuyên viên cao cấp chỉ rõ, chúng ta hay tìm ra những lý do khách quan để “bào chữa” cho những yếu kém chủ quan, vì thế không cố gắng hết sức để sửa chữa những bất cập về cơ cấu.

Mặc dù sản xuất công nghiệp có chiều hướng tăng trở lại, GDP vẫn giữ được mức tăng trưởng dương, song chưa thể lạc quan nói kinh tế đang vượt lên khỏi đáy suy thoái, khi mà xuất khẩu vẫn khó khăn, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân đang giảm mạnh. Kinh tế vẫn còn nằm ở “đáy” chừng nào tỷ lệ nghèo và thất nghiệp vẫn tăng.

Rất may là kinh tế đã “tới đáy” suy thoái. Liệu nó sẽ nằm ở dưới đáy bao lâu? Chưa vượt lên khỏi đáy thì chưa thể nói tới chuyện tái cơ cấu nền kinh tế. Tận dụng cơ hội khủng hoảng, Trung Quốc đang đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển từ đẩy mạnh xuất khẩu sang tập trung thị trường nội địa. Còn ta, hiện vẫn chưa biết nền kinh tế sẽ tái cấu trúc như thế nào, đâu là điểm mạnh, đâu là điểm yếu?

Đan Thanh