Muốn hợp tác quốc tế, phải tôn trọng chủ quyền quốc gia

ANTĐ - Các quốc gia trong Liên minh Nghị viện phải tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền của mỗi quốc gia thành viên, không được can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Đây là nội dung quan trọng trong dự thảo Nghị quyết về quyền quốc gia và nhân quyền, được IPU132 thông qua ngày 30-3.

Muốn hợp tác quốc tế, phải tôn trọng chủ quyền quốc gia ảnh 1Các nghị sĩ tham gia thảo luận tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng ngày 30-3

Cần kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực

Sáng 30-3, Ủy ban Thường trực IPU về dân chủ và nhân quyền đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người”. Dự thảo nghị quyết đã được soạn thảo từ Đại hội đồng IPU 131 nhưng còn có nhiều ý kiến khác nhau nên chưa được thông qua. Bản dự thảo lần này đã được sửa đổi, bổ sung những điểm quan trọng, trong đó tái khẳng định bình đẳng chủ quyền của các quốc gia là cơ sở cho hợp tác quốc tế và là nhân tố quan trọng của sự ổn định.

Dự thảo kêu gọi các quốc gia kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào. Các tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở tôn trọng an ninh và hòa bình quốc tế, công lý, nhân quyền và các quyền tự do cơ bản khác và phù hợp với mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Mặt khác, dự thảo cũng nhấn mạnh trách nhiệm của tất cả các quốc gia trong việc tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản cho mọi người, không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào về chủng tộc, sắc tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị hay các quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia hay xã hội.

Thảo luận tại phiên họp, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam đề cao luật pháp quốc tế và cho rằng, luật pháp quốc tế cần được tuân thủ nghiêm túc trong quan hệ quốc tế. “Các quốc gia cần tiếp tục đề cao luật pháp quốc tế đồng thời phải có ý thức tôn trọng chủ quyền quốc gia, không chỉ vì tranh thủ lợi thế của mình mà phương hại đến lợi ích quốc gia và chủ quyền quốc gia khác” – ông Lê Minh Thông nói. 

Sau phiên thảo luận, với 38 phiếu thuận, 3 phiếu trống và 10 phiếu trắng, Ủy ban Thường trực về dân chủ và nhân quyền IPU 132 đã thông qua Dự thảo nghị quyết. 

Cùng hành động để ngăn chặn khủng bố 

Nội dung chính được thảo luận tại phiên họp chung của Đại hội đồng IPU 132 ngày 30-3 xoay quanh chủ đề: Đối phó với nhóm khủng bố Boko Haram. Tại phiên thảo luận, các nghị sĩ cho rằng, cần chống lại mọi loại hình khủng bố, cần có những hành động cụ thể khuyến khích Quốc hội và Chính phủ các nước lên án các tổ chức, cá nhân giúp đỡ Boko Haram theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. 

Các nghị sĩ cũng đề nghị, bất kể tổ chức nào đã giúp đỡ tài chính cho tội phạm chống lại loài người hay những tổ chức có những hành động tương tự như vậy cần phải được đưa ra tòa án tội phạm quốc tế. Ông Sen A Moruso, đoàn Italia nhấn mạnh, Quốc hội các nước cần đóng vai trò quan trọng trong việc thông qua Luật chống khủng bố, Luật thu thập thông tin chống khủng bố và các quốc gia cần liên kết lại với nhau để chống lại các tổ chức đặc biệt nguy hiểm này. 

Nước lớn cần thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm 

Chiều 30-3, phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU 132 tiếp tục với nội dung thảo luận về kinh nghiệm của Quốc hội và Nghị viện các nước trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. 
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nhấn mạnh, hòa bình và an ninh là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu đó, tất cả các nước cần tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược, thúc đẩy hợp tác, tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các thách thức đối với hòa bình và an ninh khu vực. Đặc biệt, các nước lớn cần thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của mình, tôn trọng các lợi ích chính đáng của các nước nhỏ hơn. 

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Các nghị sỹ đánh giá Hà Nội - Việt Nam là điểm đến ấn tượng

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ bên lề chương trình nghị sự IPU 132 sáng 30-3, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Ban lãnh đạo IPU cũng như các nghị viện, nghị sĩ đều đánh giá rất cao Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Các đại biểu đều ca ngợi khâu tổ chức, sự thân thiện, đón tiếp thịnh tình của Việt Nam. Nhiều nghị sĩ quốc tế đánh giá Việt Nam đã nâng chuẩn tổ chức IPU lên một tầm cao mới. Họ cũng khen Việt Nam đẹp, Hà Nội là điểm đến ấn tượng. 

Bà Jemini Pandya, Giám đốc truyền thông IPU: Việt Nam luôn chủ động, có trách nhiệm

“Những ngày qua, tôi rất ấn tượng với đất nước của các bạn, một đất nước thật tươi đẹp với những con người đáng mến. Tôi cũng rất hoan nghênh công tác tổ chức IPU 132 của Quốc hội và các cơ quan của Việt Nam. Có thể nói Quốc hội Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm tại diễn đàn này. Ở chiều ngược lại, việc Việt Nam chủ động, tích cực tham dự các hoạt động của IPU cũng sẽ giúp thúc đẩy và bảo vệ lợi ích của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế. Tôi tin rằng, Đại hội đồng IPU 132 sẽ thành công tốt đẹp”. 

Bà Tamam M. Al Riyaty (đoàn nghị viện Jordans): Người dân Hà Nội rất thân thiện

“Người dân Hà Nội rất thân thiện và mến khách. Hôm qua, sau khi tham dự 2 diễn đàn Nữ nghị sĩ và Nghị sĩ trẻ trong khuôn khổ IPU132, tôi đã đến tham quan phố Hàng Gai và rất thích món ăn ở đây. Tôi đã chụp rất nhiều ảnh, quay clip và đăng lên facebook để khoe với bạn bè, người thân ở quê nhà. Với các chương trình nghị sự của IPU132, tôi thực sự rất ngạc nhiên về khâu tổ chức của Việt Nam. Đặc biệt, tại cả 2 diễn đàn quan trọng này, các nữ nghị sĩ và nghị sĩ trẻ Việt Nam đều rất tích cực tham gia phát biểu, đề xuất nhiều giải pháp mang tính toàn cầu”. 

Bà Jessi Lintl (đoàn nghị viện Áo): Không khí thật tuyệt vời

”Đất nước của các bạn rất tươi đẹp. Tại khách sạn chúng tôi ở, không khí thật tuyệt vời. Tôi rất thích món phở của Hà Nội. Tham dự diễn đàn nữ nghị sĩ và phiên thảo luận chung của Đại hội đồng IPU132, tôi thấy khâu tổ chức của Việt Nam có thể nói là hoàn hảo. Vai trò của nữ nghị sĩ trẻ trong Quốc hội Việt Nam ngày càng được nâng cao nhưng đúng như đề xuất của các bạn tại diễn đàn này, cần thúc đẩy hơn nữa cả về tỷ lệ phụ nữ tham gia nghị viện và quan tâm hơn nữa tới nữ quyền.”