Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Muốn giữ hòa bình, chúng ta phải mạnh lên

ANTĐ - Chiều 6-12, tại TP. HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm và làm việc với Tổng Công ty Ba Son, Bộ Quốc phòng. Đây là một trong những cơ sở đóng tàu hàng đầu của quân đội, đang thực hiện nhiệm vụ đóng loạt 6 tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya (hay còn gọi là loạt tàu M, hay tàu tên lửa 12418) do Liên bang Nga chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Muốn giữ hòa bình, chúng ta phải mạnh lên ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát trên tàu tên lửa lớp 12418

Dấu mốc quan trọng 

Tại Tổng Công ty Ba Son, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thị sát, kiểm tra tiến độ đóng các tàu tên lửa Molniya – một trong những tàu tàu tên lửa tấn công hiện đại, được đánh giá là hoàn thiện và hoạt động ổn định hàng đầu thế giới hiện nay do Viện thiết kế Hải quân Almaz - Liên bang Nga thiết kế. 

Tàu Molniya có lượng giãn nước 560 tấn, vận tốc tối đa gần 70 km/h trong điều kiện tiêu chuẩn. Thời gian hoạt động trên biển là 10 ngày, cự ly hoạt động khi chạy ở tốc độ trung bình từ 1.650 đến 2.400 hải lý. Tàu được thiết kế để tiêu diệt các đội hoặc nhóm tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu hộ tống và các đội tàu khác của đối phương một cách độc lập; bảo vệ tàu ngầm, tàu đổ bộ; thực hiện nhiệm vụ trinh sát… Tính năng kỹ chiến thuật và vũ khí trên tàu tên lửa Molniya cho phép sử dụng trong tác chiến hải quân, chống nhiều loại mục tiêu trên mặt nước. 

Việc đóng mới thành công 2 tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya đã ghi nhận dấu mốc quan trọng trong lịch sử lĩnh vực đóng tàu quân sự Việt Nam. Sau 10 năm chuẩn bị, cử cán bộ đi nhận chuyển giao công nghệ tại Nga và sau 4 năm thi công, với nỗ lực của hàng trăm người thợ Ba Son trong hơn 1.600 ngày đêm làm việc, 2 tàu Molniya đầu tiên mang tên HQ 377 và HQ 378 đã được nghiệm thu, trong đó có nghiệm thu bắn tên lửa và bàn giao cho Quân chủng Hải quân. Hiện nay, các cán bộ, kỹ sư, công nhân Ba Son đang triển khai đóng cặp tàu thứ hai và dự kiến nghiệm thu, bàn giao trong quý II-2015. Cặp tàu thứ ba cũng đã được triển khai trong quý I-2014, dự kiến bàn giao trong quý II-2016. Bên cạnh chương trình đóng tàu Molniya, Tổng Công ty Ba Son cũng triển khai đóng các tàu tuần tra, tàu trinh sát, tàu tìm kiếm cứu nạn, tàu kéo cho Hải quân và Cảnh sát biển Việt Nam.

Làm chủ công nghệ, kỹ thuật quân sự hiện đại

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương cán bộ, chiến sĩ, công nhân, lao động Tổng Công ty Ba Son trong những năm qua đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ đóng loạt tàu Molniya. Thủ tướng cho rằng, việc đóng thành công 2 tàu tên lửa Molniya hiện đại đầu tiên là một bước trưởng thành vượt bậc của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam, khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, kỹ thuật đóng tàu quân sự hiện đại. 

Thủ tướng nhấn mạnh, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Quốc phòng là nỗ lực thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, đặc biệt là Hải quân và Không quân, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và có những lĩnh vực đi thẳng vào hiện đại. Thủ tướng khẳng định: “Muốn giữ gìn hòa bình, ổn định, chúng ta phải mạnh lên, cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng, trong đó phải thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng, từng bước làm chủ công nghệ, kỹ thuật quân sự hiện đại”.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Tổng Công ty Ba Son tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó có việc hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao 4 tàu tên lửa Molniya theo đúng kế hoạch. Thủ tướng cũng đã xem xét và cho ý kiến cụ thể đối với các đề xuất, kiến nghị của Tổng Công ty Ba Son, nhằm tạo mọi điều kiện và nguồn lực cần thiết để hỗ trợ di dời Nhà máy Ba Son khỏi trung tâm TP.HCM, gắn với việc xây dựng mới một nhà máy đóng tàu quân sự hiện đại của Tổng Công ty Ba Son, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới.

Về hệ thống vũ khí, với hệ thống radar bám bắt mục tiêu hiện đại đảm bảo độ chính xác trong phát hiện và tiêu diệt mục tiêu, tàu Molniya được lắp đặt hệ thống phóng 16 tên lửa đối hải Uran-E có tầm bắn 130km. Để phòng thủ, tàu được trang bị pháo tự động AK-176M, có tầm bắn 15km, độ cao 11km, được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên mặt nước và trên đất liền; 2 pháo 6 nòng tự động AK-630M có tầm bắn 4-5km và nhịp bắn 4000 -5000 phát/phút.