Mệnh lệnh của Tổ quốc, nhân dân

ANTĐ - Khi quân đội tròn 20 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên dương: “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Đó mãi mãi là mệnh lệnh tối thượng của Tổ quốc với Quân đội nhân dân anh hùng.

Mệnh lệnh của Tổ quốc, nhân dân ảnh 1Tiếp đạn tại trận địa pháo phòng không ở Quảng Trị năm 1972

Chiến sỹ phòng không quyết tử

Năm 1972 là một trong những năm thử thách lớn, song cũng hào hùng nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chiến dịch Quảng Trị diễn ra 87 ngày đêm, có 81 ngày đêm bão lửa Thành cổ. Đoàn vận tải phòng không không quân (PKKQ) phục vụ quân chủng tham gia chiến dịch trên 300 ngày. Riêng đưa đạn tên lửa từ núi rừng phía Bắc vào, vận chuyển cơ giới kết hợp với quân vận đường sắt đã chiếm trọn 5 tháng, trước khi Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai. 

Ít ngày sau là cuộc “Đối mặt với B52” trên bầu trời Hà Nội và một số thành phố trên miền Bắc, tinh thần và sức khỏe cán bộ chiến sỹ đều phải gồng lên theo kịp nhiệm vụ. Một đợt sinh hoạt chính trị được tổ chức từ trên xuống, nhằm vạch trần trò ảo thuật kiểu Mỹ “Hòa bình trong tầm tay”. Nhớ lại, khi Hội nghị Paris bế tắc và đình chỉ ngày 13-12-1972, cấp trên đã chủ động ra lệnh đẩy nhanh tiến độ lắp ráp đạn tên lửa của Hà Nội ở hai trung tâm. Đoàn vận tải nhận lệnh điều những chiến sỹ lái cẩu giỏi nhất (anh em đã từng lắp ráp máy bay), nhưng chỉ có xe cần cẩu K61 cũ kỹ, tăng cường cho các trung tâm. Ngày thường mỗi trung tâm chỉ lắp được 6 đến 8 quả đạn, vì nó cấu thành từ 43 linh kiện, nếu chỉ sai số một chút là đạn mất điều khiển. Dây chuyền được cải tiến và lắp ráp cả ngày lẫn đêm, nâng lên 15 - 20 quả. Đoàn được giao nhiệm vụ tổ chức một đội gần 20 xe chở đạn TZM, đưa thẳng từ trung tâm lắp ráp đến các trận địa hỏa lực. 

Mỗi chiến sỹ PKKQ ngày đó đều lấy tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của chiến sỹ Thủ đô những ngày đầu kháng chiến toàn quốc. Khi ấy ta đã có tên lửa Sam 2, không quân, pháo cao xạ các tầm, radar... đánh giặc, nhưng đối thủ là B52 đã cải tiến đến lần thứ bảy (B52 - B52H), trọng lượng cất cánh 242 tấn, 8 turbin phản lực, trần bay 10-17km, tốc độ bay gần bằng tốc độ âm thanh, có khả năng mang 20-30 tấn bom và một hệ thống gây nhiễu điện tử ở trình độ cao...

Trong chiến dịch Linebacker II, Mỹ tập trung 193 chiếc B52, bằng 48% lực lượng không quân chiến lược Mỹ cùng gần 1.000 máy bay chiến thuật hiện đại. 12 ngày đêm, B52 đã ném xuống trên 2 vạn tấn bom, tương đương 3 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật năm 1945, nhưng bất ngờ kẻ chuốc thảm bại lại là Mỹ. 12 ngày đêm Mỹ mất 81 máy bay, trong đó có 34 B52, hàng trăm giặc lái bị tiêu diệt và bắt sống. Ngày 29-12 Tổng thống Mỹ Nixon đã phải đơn phương hạ lệnh ngừng ném bom, giao cho Kissinger trở lại đàm phán Paris. 

Trong những ngày đó, cấp trên luôn động viên cán bộ chiến sỹ PKKQ. Đêm 20-12-1972 Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp điện gửi Quân chủng PKKQ: “Cả nước đang hướng về Hà Nội, toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ, từng phút Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sỹ Phòng không bảo vệ Hà Nội...”. Đêm 20-12 quân dân Thủ đô thắng lớn, bắn rơi 7 chiếc B52, trong đó có 5 chiếc rơi tại chỗ, chỉ hết 35 đạn tên lửa. Sáng 22-12, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng các đồng chí lãnh đạo Quân đội đến thăm Quân chủng PKKQ, Thủ tướng khen ngợi: “Chiến công của các đồng chí quý lắm! Chúng nó muốn ép ta, nhưng các đồng chí đã cho chúng một bài học đích đáng. Bây giờ chính chúng ta lại ép nó!”.

Mệnh lệnh của Tổ quốc, nhân dân ảnh 2Đạn pháo được cấp đủ cho các trận địa hỏa lực trong 12 ngày đêm ĐBP trên không 

Mệnh lệnh tối thượng

Có một câu chuyện không thể nào quên. Trong 12 ngày đêm, chỉ huy đoàn chúng tôi thường đi thăm và kiểm tra anh em lắp ráp và tiếp viện đạn tên lửa. Khi đến Ngọc Tiệp, Ngọc Hà được thấy một khúc B52 nằm gọn dưới ao. Một bà mẹ Hà Nội chừng 80 tuổi, vận bộ đồ lụa Hà Đông màu gụ, rất đẹp. Thấy chúng tôi mang quân hàm xanh da trời, bà sôi nổi: “Các anh bắn rơi được B52 là có Bác Hồ phù hộ. Bác thiêng lắm. Bác bắt nó rơi xuống ao, khỏi hại cho dân. Các anh phải bắn rơi thật nhiều B52 hơn nữa, cho dân hả dạ...”. Sau lời cảm ơn bà mẹ, chúng tôi nghĩ đó là mệnh lệnh của nhân dân.

Trận chiến thắng Quảng Trị, trận chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972 ngày đó, thấm thoát đã 42 năm. Những người lính có vinh dự được tham gia hai chiến dịch, giờ đều đã là lớp người xưa nay hiếm. Lớp chiến sỹ Điện Biên Phủ đều trên bát thập, vẫn thấy chuyện xưa như còn nóng hổi hôm qua. Chúng tôi nghĩ: Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam đã được Đảng, Bác Hồ đưa tới đỉnh cao vinh quang trong thế kỷ 20. Điều vinh dự lớn nhất của cuộc đời hàng triệu chiến sỹ quân đội được nhân dân ta yêu thương, tin cậy trao cho danh hiệu cao quý “Anh bộ đội cụ Hồ”, một nét đẹp văn hóa rất Việt Nam, trong thời đại Hồ Chí Minh. 

Khi quân đội ta tròn 20 tuổi (22-12-1944 /22-12-1964) Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên dương: “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Đó sẽ mãi mãi là lời khen ngợi của Người và mệnh lệnh tối thượng của Tổ quốc với Quân đội nhân dân anh hùng.