Lương tối thiểu: Nên để thị trường định đoạt

ANTĐ - Mới đây, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 lên 15,1% so với năm 2014, tuy nhiên bản thân phía sử dụng lao động và người lao động vẫn chưa thực sự hài lòng với mức điều chỉnh này. Nhiều ý kiến cho rằng, việc nảy sinh mâu thuẫn  một phần do cách tính lương tối thiểu hiện nay chưa thuyết phục.
Lương tối thiểu: Nên để thị trường định đoạt ảnh 1
Lương đảm bảo chi trả trong cuộc sống là mong muốn của tất cả người lao động
Ảnh: PHÚ KHÁNH


Tăng 23% mới đảm bảo nhu cầu

Kết quả khảo sát của Viện Công nhân và công đoàn thực hiện trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy, mức lương tối thiểu hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 65-70% nhu cầu đời sống tối thiểu của người lao động. Phía Tổng Liên đoàn Lao động cũng cho rằng, để đạt được lộ trình tới năm 2017 lương tối thiểu đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho người lao động thì trong năm 2015 lương tối thiểu phải tăng thêm 23%. Tuy nhiên, phía giới chủ lao động cho rằng nếu điều chỉnh tăng cao như vậy thì sẽ vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp. Mặt khác mức thu nhập thực tế của nhiều công nhân hiện nay đã cao hơn nhiều mức lương tối thiểu. Đấy là chưa kể mức lương tối thiểu đang áp dụng với khối doanh nghiệp còn cao hơn rất nhiều mức lương tối thiểu dành cho các diện hợp đồng lao động khác.

Vậy lương tối thiểu ở nước ta hiện nay đang ở mức cao hay thấp và vì sao mỗi khi điều chỉnh lương tối thiểu luôn xảy ra mâu thuẫn, xung đột quyền lợi giữa đại diện các bên. Đề cập đến vấn đề này tại một hội nghị chuyên đề diễn ra gần đây, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, cách thức tính toán và đưa ra mức tăng lương tối thiểu ở nước ta hiện nay vẫn chưa đủ cơ sở khoa học và chưa thuyết phục. Theo ông Đặng Như Lợi, sàn lương tối thiểu là do Nhà nước ấn định sao cho doanh nghiệp không được trả thấp hơn mức đó và sàn này cần phải đảm bảo được mức sống tối thiểu của người lao động. Trong khi đó, lương tối thiểu khác sàn lương tối thiểu và do doanh nghiệp quyết định để phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

“Thực chất chúng ta đang bàn đến là sàn lương tối thiểu. Còn lương là giá cả sức lao động trong thị trường thì phải để thị trường định đoạt. Chưa có nước nào trong cơ chế thị trường lại quy định lương tối thiểu mà họ chỉ quy định sàn lương tối thiểu” – ông Lợi cho hay. Cũng theo ông Đặng Như Lợi, khi đã có đề xuất tăng sàn lương tối thiểu thì cần phải có một nghiên cứu đầy đủ về sức chịu đựng của doanh nghiệp hay phải đánh giá được việc tăng sàn lương tối thiểu này ảnh hưởng như thế nào đến những người lao động tự do, lao động trong khu vực nông lâm ngư nghiệp không hưởng lương.

Phải xác định lại cách tính

Chính phủ đặt lộ trình phấn đấu đến năm 2017, lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Hàng năm, Hội đồng Tiền lương Quốc gia có trách nhiệm điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu để thực hiện lộ trình này. Thế nhưng, lương tối thiểu tăng bao nhiêu là đủ, tăng đến mức nào thì đảm bảo đời sống tối thiểu của người lao động khi bản thân số liệu về nhu cầu sống tối thiểu làm cơ sở cho việc tăng lương tối thiểu hiện nay vẫn gây nhiều tranh cãi. Thực tế, cách tính những số liệu về nhu cầu sống tối thiểu hiện còn nhiều độ vênh, chưa thống nhất giữa các bên liên quan. 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia Phạm Minh Huân phân tích, ai cũng biết nhu cầu sống tối thiểu là phải đáp ứng được các nhu cầu cơ bản như ăn, ở, mặc, đi lại, học hành, nuôi con… tuy nhiên việc lựa chọn cụ thể bao nhiêu mặt hàng, cơ cấu giữa lương thực, thực phẩm và phi lương thực, thực phẩm để tính toán là rất khó. Hàng năm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì đi khảo sát một số doanh nghiệp để đưa ra nhu cầu sống tối thiểu, trong khi bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia lại tính toán dựa trên 45 mặt hàng và số liệu điều tra mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê. Điều này khiến cho mức thu nhập giúp đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu giữa các bên đưa ra khác nhau và đề xuất tăng lương tối thiểu để đạt được mức thu nhập đó cũng khác nhau. 

Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, để khắc phục tình trạng này, sang năm 2015, cơ sở để tính toán nhu cầu sống tối thiểu sẽ phải thống nhất. Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia gồm đại diện cả 3 bên và các nhà khoa học của các trường, các viện sẽ cùng nhau đưa ra căn cứ tính toán nhu cầu sống tối thiểu có tính khoa học nhất, phù hợp với thực tiễn nhất. Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng sẽ tiến hành đi khảo sát để xem khi đưa quyết định tiền lương vào thì nó ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp, người lao động sẽ được gì trong việc quyết định tăng lương tối thiểu. Khi đó, số liệu đưa ra sẽ đảm bảo được tính khách quan và chính xác hơn.